Định vị thị trường
Các thị trường chứng khoán châu Á vẫn tiếp tục phản ứng với thông điệp của FED. Các chỉ số TWSE (-1,84%), NIKKEI 225 (-0,29%), KOSPI (-1,3%), NIFTY 50 (-0,91%), SET (-0,6%) đều có thêm phiên giảm điểm.
Những vận động kể trên cũng góp phần khiến cho phiên cuối tuần của thị trường Việt Nam hồi phục chậm. Sau khi đánh rơi hơn 11 điểm, chỉ số VN-Index chỉ gỡ lại được gần 3 điểm, qua đó có tuần giảm thứ 2 liên tiếp.
Chất xúc tác
Sau phiên đáo hạn phái sinh, thị trường vẫn còn sự kiện có thể gây "nhiễu" là hoạt động cơ cấu của 2 quỹ ETF có tổng tài sản gần 700 triệu USD: VanEck Vectors Vietnam ETF, FTSE Vietnam Swap UCITS ETF. Với kết quả đã được công bố trước, các cổ phiếu SIP, VPI, VTP sẽ được mua mới trong khi EVF và NVL bị loại ra.
Theo ước tính của SSI Research, VIX sẽ là cổ phiếu được mua vào nhiều nhất về khối lượng trong khi chiều ngược lại NVL bị bán nhiều nhất.
Thống kê cuối phiên giao dịch, cho thấy khối ngoại đã mua ròng hơn 40 tỷ đồng. Các cổ phiếu VNM (+126 tỷ đồng), VIX (+105 tỷ đồng), FPT (+87 tỷ đồng), SIP (+86 tỷ đồng), KDH (+56,13 tỷ đồng) đã triệt tiêu được hết áp lực bán từ các mã HPG (-89,7 tỷ đồng), NVL (-69,5 tỷ đồng), VHM (-50,5 tỷ đồng), BID (-43,7 tỷ đồng).
Tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đã có sự nhảy vọt lên gần 18% trong ngày cơ cấu cuối cùng của 2 quỹ ETFs.
Tuy nhiên, nhà đầu tư trong nước cũng giảm tần suất giao dịch khi khối lượng giao dịch của toàn HOSE đã giảm hơn 32% xuống 447 triệu đơn vị, xuống dưới mức bình quân 20 phiên. Trong 2 phiên trước, khớp lệnh của sàn đều đạt trên mức bình quân 20 phiên.
Hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang cùng lúc điều tiết thanh khoản của hệ thống và kiềm chế hoạt động đầu cơ tỷ giá. Trong ngày hôm qua, NHNN hút ròng 25.675 tỷ đồng từ thị trường qua kênh thị trường mở. Trạng thái giao dịch có 4.999,93 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 83.310 tỷ đồng tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Theo ghi nhận, lãi suất liên ngân hàng đã bật mạnh ở kỳ hạn qua đêm và tuần lên 4,09% và 4,5%. Trong khi đó, giá bán USD trên thị trường đã tăng lên 25.750 VND/USD.
Vận động thị trường
Dòng tiền được thu hẹp mạnh trong phiên cơ cấu của 2 ETFs. Đồng thời, nhà đầu tư cũng bớt "mặn mà" với các cổ phiếu Bluechips. Thay vào đó, nhóm cổ phiếu Midcap và Penny cũng như các cơ hội riêng trên HNX và UPCoM lại được khai phá.
Các mã HVN, VOS, YEG, VTO đã tăng trần, GIL tăng 4,13%, CSV tăng 4,65%. Cùng với đó là nhiều cổ phiếu Bất động sản của HOSE như NTL tăng 3,97%, SJS tăng 5,3%, CSC tăng 3,6%.
Trong khi VC7 (+9,45%), VC2 (+6,25%), KSV (+10%), HNG (+14,55%), ACV (+4,4%), VGT (+4,93%), CLX (+4,88%), HBC (+4%), PHP (+4,57%), MVN (+14,82%) cũng tăng ấn tượng trên HNX và UPCoM.
Những dấu hiệu kể trên cho thấy sự chủ động hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội của nhà đầu tư so với chuỗi giao dịch ảm đạm trước đó.
Dù không thể khẳng định, sóng Midcap, Penny có thể sẽ duy trì nhưng thị trường rõ ràng vẫn cần có những màu sắc hy vọng trước khi dòng tiền lớn có thể bổ sung thêm.
Các cổ phiếu Ngân hàng, Chứng khoán, Thép hầu hết đều chỉ có những vận động "cầm chừng" trong phiên cuối tuần như BID (0%), VCB (+0,1%), MBB (+0,6%), TCB (+0,2%), SSI (+0,2%), BSI (+0,4%), HCM (-0,7%), FTS (-0,8%), NKG (0%), HSG (-1,1%).
Chốt phiên, VN-Index tăng 2,83 điểm lên 1.257,5 điểm (+0,23%). Tổng giá trị giao dịch sàn đạt 13.534 tỷ đồng, tương đương 568,92 triệu đơn vị. Tính chung cả tuần, VN-Index giảm 0,4% và là tuần giảm thứ 2 liên tiếp.
Trong khi đó, HNX-Index (-0,21%) và UPCoM-Index (+0,72%) đóng cửa trái chiều. Thành tích của 2 chỉ số trong tuần qua đều tăng nhẹ, lần 0,03% và 0,92%.