Yếu tố chính hỗ trợ tâm lý thị trường là kỳ vọng Fed sẽ hạ chi phí đi vay lần thứ ba liên tiếp vào tuần tới đã được củng cố - số liệu mới nhất cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 11 tăng phù hợp với dự kiến. Mặc dù chỉ số này vẫn cao hơn mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương, thị trường đặt cược Fed có 98% khả năng sẽ thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất nữa tại cuộc họp ngày 17-18/12.
Phiên này, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm khi đồng yen suy yếu. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tiến 1,2% và đạt 39.849,14 điểm khi đóng cửa.
Các chỉ số chính của Trung Quốc đều đi lên khi giới đầu tư hy vọng các nhà lãnh đạo nước này sẽ công bố thêm những biện pháp hỗ trợ. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gặp khó khăn do chi tiêu tiêu dùng yếu và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.
Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải (Trung Quốc) phiên này tăng 0,9% và đạt 3.461,50 điểm khi đóng cửa. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) cũng tiến 1,20% lên 20.397,05 điểm.
Bắc Kinh đã đưa ra một loạt biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng, nhưng các nhà quan sát cho rằng vẫn còn lo ngại về việc thiếu hành động cụ thể. Chuyên gia Stephen Innes của công ty môi giới đầu tư SPI Asset Management nhận định rằng "phản ứng thận trọng của thị trường Trung Quốc cho thấy các nhà đầu tư còn hoài nghi về cam kết thực hiện các biện pháp can thiệp tài chính trực tiếp và đáng kể của chính phủ để vực dậy nền kinh tế Trung Quốc.
Tại Hàn Quốc, Chỉ số Kospi của Seoul đã tăng điểm ngày thứ ba liên tiếp khi tăng 1,62% lên 2.482,12 điểm. Chuỗi tăng đã bù đắp cho những thiệt hại mà thị trường này phải gánh chịu sau đợt bán tháo vì tuyên bố thiết quân luật ngắn ngủi của Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Các thị trường Singapore, Manila và Bangkok cũng tăng. Ngược lại, chứng khoán Sydney, Wellington, Mumbai và Jakarta đi xuống.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch 12/12, chỉ số VN - Index giảm 1,51 điểm (0,12%) xuống 1.267,35 điểm. Chỉ số HNX - Index giảm 0,19 điểm (0,08%) xuống 227,99 điểm.