Thị trường chứng khoán đang dần khép lại năm giao dịch 2022 với những phiên cuối năm biến động mạnh. Tuy nhiên, năm 2023 sẽ ra như thế nào là một câu hỏi còn nhiều ẩn số. Ông Hoàng Anh Tuấn, chuyên gia MBS chia sẻ với Nhịp sống doanh nghiệp xoay quanh diễn biến thị trường cùng các chủ đề trên.
Ông có bình luận gì về diễn biến thị trường những phiên gần đây?
Thị trường chứng khoán tuần qua đã giảm điểm trở lại, đánh dấu tuần giảm thứ 2 trong 3 tuần đầu tháng 12, thanh khoản sụt giảm khiến chỉ số VN-Index chủ yếu dao động đi ngang quanh vùng 1005 – 1035 điểm. Tôi cho rằng VN-Index đã tạo đỉnh ngắn hạn vào tuần đầu của tháng 12 ở ngưỡng 1.100 điểm. Đây sẽ là ngưỡng kháng cự cần chú ý khi VN-Index quay trở lại vùng này.
Tuần cuối năm 2022 cũng như 1 tháng trước Tết Nguyên đán, liệu thanh khoản có gặp áp lực nghỉ Tết sớm, thưa ông?
Tôi cho rằng nhà đầu tư sẽ không quá mặn mà với thị trường chứng khoán trong dịp cuối năm. Đây là thời điểm các nhà đầu tư lớn đều rút tiền về để chuẩn bị cho những nghĩa vụ tài chính cuối năm, kết hợp với tâm lý nghỉ ngơi không đầu tư sau 1 năm chinh chiến sẽ là những yếu tố làm cho thanh khoản của thị trường chứng khoán cuối năm sẽ giảm dần. Thị trường sẽ tiếp tục đi ngang quanh ngưỡng 1.000 điểm.
Tuy nhiên, khi nhiều nhà đầu tư chưa vào thị trường chứng khoán thì sẽ tạo ra những cơ hội mua vào cổ phiếu ở mức giá đã điều chỉnh khoảng 10 – 20% kể từ vùng đỉnh ngắn hạn 1.100 điểm. Thanh khoản cũng như điểm số sẽ được cải thiện rất lớn sau Tết Âm.
Ông có đánh giá gì về triển vọng bức tranh kết quả kinh doanh 2022 của doanh nghiệp? Những nhóm ngành nào sẽ có được sự chú ý?
Về triển vọng bức tranh kết quả kinh doanh năm 2022 của doanh nghiệp, tôi cho rằng sẽ một bức tranh vũ trụ nền đen với nhiều vì sao lấp lánh. Về đa phần các doanh nghiệp sẽ bị giảm lợi nhuận so với cùng kỳ, số doanh nghiệp tăng trưởng chỉ là số ít, khoảng 30 – 40%.
Bước vào năm 2023, với mức lãi suất đang ở mức cao và sẽ duy trì ít nhất tới quý 2/2023, tôi cho rằng sẽ sẽ một bức tranh vũ trụ đen hơn với ít vì sao hơn.
Nhóm ngành được chú ý trong năm 2023, tôi cho rằng sẽ là nhóm doanh nghiệp xây dựng với kỳ vọng giải ngân đầu tư công sẽ tăng lên mức 700.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với kế hoạch năm 2022, các dự án trọng điểm bao gồm sân bay quốc tế Long Thành và Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 và 2.
Nhóm ngành kế tiếp đáng để quan tâm chính là nhóm dầu khí với kỳ vọng giá dầu WTI đang neo ở mức quanh $80 USD /thùng và kỳ vọng triển khai khai thác mỏ dầu lô B - Ô Môn sắp tới.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng chúng ta nên lưu ý các doanh nghiệp sẽ được nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều. Do hiện tại giá cổ phiếu Việt Nam đang rẻ, P/E chỉ ở mức xấp xỉ 10 lần, vì vậy nhà đầu tư nước ngoài sẽ tranh thủ mua vào ở giai đoạn hiện tại. Khẩu vị nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu hướng tới các doanh nghiệp đã có tên tuổi để thâm nhập vào thị trường nội địa.
Thanh khoản là bài toán cần giải với thị trường hiện nay cũng như 2023? Các chính sách được NHNN đưa ra gần đây, liệu có giúp thanh khoản cải thiện?
Thanh khoản là yếu tố quan trọng xuyên suốt trong quá trình vận hành cũng như giúp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhà nước, chính phủ cũng luôn lưu ý hỗ trợ chính sách để giúp thị trường chứng khoán phát triển và coi đây là kênh cấp vốn dài hạn cho doanh nghiệp. Các chính sách ngân hàng nhà nước đưa ra gần đây bao gồm:
Một, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Dự thảo này hỗ trợ cho thị trường trái phiếu hoạt động ổn định, bền vững hơn, qua đó giảm áp lực rút thanh khoản khỏi thị trường chứng khoán (điều mà đã tạo ra đợt sụt giảm mạnh trong tháng 11/2022).
Hai, khống chế mức trần lãi suất tiết kiệm 9,5%, tôi cho rằng đây là hành động hợp lý của chính phủ nhằm hạn chế việc huy động ở mức cao. Qua đó giúp cho dòng vốn sẽ có xu hướng chuyển dịch sang đầu tư hơn là gửi tiết kiệm.
Nhận định của ông về triển vọng thị trường 2023?
Về triển vọng cho năm 2023, tôi cho rằng sẽ không quá tích cực, ẩn chứa nhiều biến số. Không quá tích cực là bởi vì dòng tiền rẻ đã không còn, chúng ta không thể kỳ vọng với những mức định giá phi lý cho cổ phiếu như ở giai đoạn VN-Index 1.500 điểm.
Bên cạnh đó, lãi suất đang tăng sẽ làm cho bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ khá tiêu cực trong nửa đầu năm 2023, việc này sẽ tiếp tục tác động tiêu cực lên giá cổ phiếu.
Về biến số, cần chú ý đầu tiên chính là việc Trung Quốc sẽ mở cửa trong quý 1/2023, tiếp tục mở cửa hoàn toàn vào quý 2/2023, điều này sẽ gây ra một sự xáo trộn nhất định, mở ra cơ hội cũng như thách thức cho cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Biến số kế tiếp chính là chiến tranh Nga – Ukraine, nếu chiến tranh kết thúc sẽ làm giảm giá dầu, qua đó giảm lạm phát và giảm lãi suất. Biến số cuối cùng chính là khả năng suy thoái toàn cầu nếu như FED tiếp tục tăng lãi suất.
Chiến lược giao dịch cho năm 2023 chính là mua khi thị trường giảm giá sâu, chờ đợi sự phục hồi.
Cảm ơn ông!