Sau 2 tuần tăng điểm liên tiếp, thị trường đã đạt được trạng thái hưng phấn nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. Chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia về vận động của các chỉ số và cổ phiếu trên thị trường.
"Thị trường hiện tại rủi ro nhiều hơn cơ hội"
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC
Có thể thấy hiện tại yếu tố tích cực nhất trong ngắn hạn có lẽ là yếu tố tâm lý, khi nhà đầu tư trong nước có xu hướng tự tin hơn. Trong khi đó những dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế là chưa có, thậm chí còn nhiều dấu hiệu suy yếu hơn. Chính sách tiền tệ, tài khóa đã có những động thái hỗ trợ nền kinh tế nhưng chưa thấy ngay hiệu quả trong ngắn hạn. Chúng ta cần khách quan là đà phục hồi của nền kinh tế có thể chậm hơn kỳ vọng. Do đó thị trường có vẻ đang trả hơi nhiều cho những kỳ vọng mà chưa đến ngay trong ngắn hạn. Điều này chưa bao giờ là tốt giống như xây một lâu đài trên cát vậy.
Có thể quan điểm cá nhân của tôi đang ngược với số đông nhưng thị trường hiện tại rủi ro nhiều hơn cơ hội. Vùng kháng cự ngắn hạn quanh 1.120-1.130, khi dòng tiền được kích hoạt, chúng ta bỏ ngỏ khả năng cho mọi kịch bản, nhưng một thị trường hưng phấn, ở trạng thái quá mua trên nền kinh tế suy thoái không phải là thế trận tôi ưa thích để "đặt cược".
Hiện tại, sau khi vượt qua vùng 1.080 điểm, vùng giá trong ngắn hạn quanh 1.080-1.120. Do đó trong trường hợp thị trường điều chỉnh, ngưỡng 1.080 sẽ là ngưỡng hỗ trợ gần nhất. Tuy nhiên cần nhắc lại, yếu tố nổi bật nhất ở thời điểm hiện tại là trạng thái tâm lý được cải thiện và trạng thái FOMO của dòng tiền. Cung của thị trường cũng theo quá trình này mà gia tăng. Tóm lại khi các lá bài chính sách đã ra gần như hết, việc quyết định xu hướng thị trường sẽ dựa trên chuyển động nền kinh tế. Với tôi, vẫn nghiêng về kịch bản cần thêm thời gian và đà tăng dài hạn của thị trường có thể chưa được xác lập.
Với người cầm tiền, tôi không cảm nhận thấy rõ cơ hội khi mua mới, đặc biệt với các mã có nền tảng cơ bản kém. Tuy nhiên, đối với người cầm cổ phiếu, có thể nắm giữ tỷ trọng ở mức độ nhất định, vì dù sao rủi ro thị trường cũng đã giảm đi ít nhiều so với 2022. Với các nhóm cổ phiếu nền tảng kém, cơ bản yếu và tăng giá mạnh, khi tâm lý hưng phấn là cơ hội chốt lời, dành nguồn lực ở những vùng thị trường mà tỷ lệ lợi nhuận/rủi ro hấp dẫn hơn.
Không dễ để chỉ số VN-Index có thể vượt qua 1.120-1.140 điểm
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDIRECT
Nối tiếp đà tăng ấn tượng của tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn biến tích cực trong tuần này với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Cụ thể, tâm lý hứng khởi đã giúp chỉ số VN-Index tăng điểm mạnh trong hai phiên đầu tuần để vượt qua ngưỡng kháng cự tâm lý 1.100 điểm. Thị trường tiếp tục tăng nhẹ trong phiên ngày thứ 4 trước khi rung lắc mạnh trong phiên ngày thứ 5 khi chỉ số VN-Index giảm 0,7% và lùi sát về mốc 1.100 điểm do áp lực chốt lời gia tăng. Tuy vậy, lực cầu chờ mua giá thấp đã được kích hoạt trong phiên ngày thứ 6 và giúp chỉ số VN-Index đảo chiều tăng trong phiên ngày cuối tuần. Chốt tuần giao dịch, chỉ số VN-Index tuần qua đóng cửa tích cực tại mốc 1.107,5 điểm (+1,5% so với tuần trước). Cùng lúc đó, chỉ số HNX-Index tăng 0,7% lên mức 227,6 điểm và chỉ số UPCOM-Index tăng 0,3% lên mức 84,2 điểm.
Động lực tăng điểm của thị trường tuần qua đến từ nhóm ngành Bất động sản như VHM (+3,9%), NVL (+5,4%) và PDR (+13,0%). Trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến tích cực cả về điểm số lẫn thanh khoản, nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục diễn biến tích cực, được dẫn dắt bởi đà tăng của SSI (+4,8%) và VND (+3,6%). Trong khi đó, ngành ngân hàng chứng kiến diễn biến trái chiều khi MBB (+2,8%) và VCB (+5,9%) tăng giá trong khi BID (-2,8%), VPB (-1,8%), CTG (-1,0%) và HDB (-2,9%) đều giảm.
Chỉ số VN-Index đang dần tiến sát vùng kháng cự mạnh 1.120-1.140 điểm. Đây là vùng đỉnh của chỉ số này từ đầu năm 2023, do đó, không dễ để chỉ số VN-Index có thể vượt qua được vùng kháng cự này. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư nên hạn chế mua mới ở thời điểm này và có thể xem xét chốt lời một phần cổ phiếu đã mua vào ở vùng giá thấp trong những tuần trước đó để hiện thực hóa lợi nhuận. Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ lệ đòn bẩy cao, nên chủ động hạ bớt margin để kiểm soát rủi ro danh mục đầu tư.