Định vị thị trường
Phiên điều chỉnh của chứng khoán châu Á ngày hôm qua chưa mang tính chất tiêu cực bởi ngay sau đó là sự trở lại của sắc xanh tại một loạt thị trường chứng khoán. Tín hiệu hỗ trợ từ thị trường Mỹ vẫn hiện diện khi cả 3 chỉ số là S&P 500 (+0,62%), DowJones (+0,5%), NASDAQ (+1,02%) đều hồi phục khá tốt.
Biến số thế giới cho đến thời điểm này còn đang ít rủi ro bởi chỉ số VIX đo lường mức biến động của chứng khoán Mỹ hiện đang về vùng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Lần gần nhất VIX xuống vùng 13 điểm là vào tháng 2/2020.
VN-Index do vậy cũng không bị lạc đường so với châu Á dù vẫn xuất hiện các nhịp rung lắc trong phiên. Chốt phiên, chỉ số đã tăng điểm trở lại, tiếp tục nằm khá sát ngưỡng 1.100 điểm.
Chất xúc tác
Theo thống kê từ VBMA, đến ngày 02/06, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong phần còn lại của năm 2023 là 195.090 tỷ đồng trong đó đứng đầu là nhóm bất động sản với 101.179 tỷ đồng. Xếp sau là nhóm ngân hàng, với 31,661 tỷ đồng.
Xét về dòng tiền, câu chuyện về đáo hạn trái phiếu vẫn là ẩn số có thể tác động mạnh tới thị trường chứng khoán lẫn nền kinh tế. Tuy nhiên, vận động của dòng tiền trong nước vẫn đang duy trì trạng thái sôi động nhất trong năm 2023. Phiên giao dịch hôm qua là phiên điển hình với giá trị giao dịch vượt hơn 1 tỷ USD.
Việc khối ngoại chủ yếu bán ròng chỉ giúp phản ánh rõ hơn sự chủ động của tiền nội. Theo thống kê cuối phiên 9/6, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng nhẹ gần 50 tỷ đồng sau 2 phiên bán ròng gần 500 tỷ đồng trên HOSE.
Vận động nhóm ngành
Ở phiên hôm qua, VCB đã phá đỉnh bất chấp hàng loạt cổ phiếu Ngân hàng điều chỉnh. Tác động của VCB đã giúp thị trường không trượt xa khỏi mốc 1.100 điểm nhưng việc để ý tới các mã cùng ngành lại là điều nhà đầu tư không thể làm ngơ. Nếu như hiện tượng giảm giá vẫn tiếp diễn, nhà đầu tư có thể sẽ dễ dàng đánh mất sự tự tin đã được xây dựng trong 2 tuần vừa qua.
Kịch bản này đã không xảy ra ở phiên hôm nay bởi một loạt mã như LPB (+3,4%), MSB (+3,1%), VIB (+2,4%), TCB (+2%), TPB (+1,4%), MBB (+1,3%) đều hồi phục lại khá nhanh.
Chưa kể đến Bluechips khác như MSN (+2,8%), SSI (+3,9%), FPT (+1,2%) cùng vào tham gia trợ sức. SSI đạt giá trị hơn 550 tỷ đồng còn MSN có khớp lệnh cao nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây.
VN-Index dù phải chịu rung lắc nhẹ trong phiên nhưng cuối phiên vẫn tăng 6,21 điểm lên 1.107,53 điểm (+0,56%). Tổng giá trị giao dịch đạt 16.526 tỷ đồng.
Xét về độ rộng toàn sàn, gần như sắc xanh và sắc đỏ có tỷ lệ phủ bằng nhau, đều đạt 43%. Điều này cho thấy, vẫn còn có sự thận trọng của nhà đầu tư.
Nhưng xét trên biên độ của nhóm giảm giá, hầu hết các cổ phiếu đều giảm không đáng kể khi biên độ chủ yếu đều dưới 1%. Một số mã giảm tới 2% như BAF (-2,9%), LCG (-1,9%), ITA (-1,96%) đã có thể xem là cá biệt.
Chiều ngược lại, các cổ phiếu Bất động sản, Chứng khoán như VND (+4,7%), VIX (+4,67%), GEX (+6,7%), PDR (+3,68%), HAH (+3,85%) lại hồi phục rất nhanh.
Ngoài ra, nhóm Thép với HPG (+0,44%), HSG (+1,22%), nhóm Năng lượng với HDG (+4,2%), PPC (+3,1%) và nhóm Khu Công nghiệp VGC (+2,3%), BCM (+0,9%), KBC (+0,4%) đều giữ được sự tích cực.
Diễn biến rung lắc cũng xuất hiện trên HNX và UPCoM nhưng chốt phiên, cả 2 chỉ số đại diện đều trở lại tăng điểm. HNX-Index tăng 0,36% còn UPCoM-Index tăng 0,2%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.800 tỷ đồng.