Phiên cuối tuần này thêm một lần nữa thị trường nhìn về STB, như để kiểm nghiệm diễn biến một cổ phiếu đã không còn lực đỡ từ khối ngoại, sau khi họ đã liên tục mua ròng lượng lớn suốt thời gian qua.
Định vị thị trường
Dù đang có khoảng cách giữa thị trường thế giới và Việt Nam nhưng điểm chung là đà tăng gần đây đều đang chững lại. Trong đêm qua, các chỉ số chứng khoán Mỹ như NASDAQ, S&P 500, Dow Jones đều giảm điểm trong đó NASDAQ đã giảm hơn 1%.
Các chỉ số chứng khoán tiên phong tại châu Á như Hang Seng các phiên gần đây cũng đều tỏ ra gặp khó khăn. Phiên hôm nay, chỉ số Hang Seng còn giảm hơn 2%.
VN-Index với các phiên điều chỉnh đan xen hiện đã về gần nền hỗ trợ ở khu vực 1.050 điểm và đang tạm thời đánh mất xu hướng tăng ngắn hạn.
Chất xúc tác
Phiên giao dịch hôm qua (9/2) đã chấm dứt chuỗi mua ròng 6 phiên liên tiếp của khối ngoại trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam. Dù vậy, đã có những dấu hiệu khá rõ việc dòng tiền ETFs không còn duy trì thay vào đó là giao dịch của nhóm quỹ chủ động tỏ ra lấn lướt.
Với việc STB đã cạn room cho nhà đầu tư nước ngoài, hoạt động mua vào và lực đỡ của họ đã gần như chấm dứt tại đây. Điều này cũng đã được thể hiện rõ trong cả phiên hôm nay khi khối ngoại chỉ mua ròng gần 28 tỷ đồng trên sàn HOSE. Cả dòng tiền mang của quỹ chủ động lẫn quỹ ETFs đều gần như còn hiện diện rõ rệt. Chiều mua, khối ngoại giải ngân 1.120 tỷ đồng trong khi chiều bán ra là 1.091 tỷ đồng.
Với tiền nội, thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước bơm tiền cung ứng qua mua ròng 2,78 tỷ USD trong tháng 1 mà công ty chứng khoán đề cập cũng rất đáng chú ý; và theo đó dự trữ ngoại hối đã đạt khoảng 91,78 tỷ USD. Thông qua việc mua vào USD, đây cũng là một kênh giúp cho nền kinh tế được bơm thêm tiền. Còn con số ước tính mới hơn từ một số thành viên tham gia thị trường liên ngân hàng thì mức mua ròng hiện đã khoảng 3,3 tỷ USD.
Dù vậy, phần lớn các phiên giao dịch của HOSE gần đây đang liên tục bị hụt thanh khoản. Ở 2 phiên gần nhất, khối lượng giao dịch đều chỉ dưới mức bình quân 20 phiên. Phiên hôm nay cũng rơi vào trạng thái này khi chỉ đạt 463,94 triệu đơn vị, tương đương 8.160 tỷ đồng
Vận động nhóm ngành
Với việc hụt tiền của cả nhà đầu tư nội lẫn ngoại, thị trường cũng không còn có nhiều điểm sáng về nhóm ngành. Ở phiên hôm qua, nhóm Thủy sản đã nổi lên nhờ diễn biến giá cá tra tích cực sau khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa giao thương. Tuy nhiên, ngay phiên hôm nay, đã có sự phân hóa giữa IDI (-2,72%), CMX (+2,52%), ANV (+2,72%), VHC (-2,06%).
Nhóm cổ phiếu Đầu tư công chủ yếu ghi nhận sự điều chỉnh trên diện rộng với LCG (-3,3%), HHV (-3,2%), VCG (-2,8%), KSB (-2,4%). Các mã này trong tháng 1 đã tăng giá rất ấn tượng như LCG tăng 47,45%, VCG tăng 26,67%, HHV tăng 44,37%, KSB tăng 32,62% nhưng từ đầu tháng 2 lại đều phải hạ độ cao xuống.
Nhóm ngành có tính dẫn dắt cho thị trường như Ngân hàng hiện cũng gặp khó với sắc đỏ xuất hiện hàng loạt như BID (-2,4%), STB (-3,3%), VIB (-4,5%), OCB (-2,2%), TCB (-1,3%), CTG (-1%). Hầu hết các mã cổ phiếu này đều đang tạm thời đánh mất xu hướng tăng ngắn hạn sau khi giá đã xuống dưới đường MA20. Kể cả STB, sau khi cạn room và hẫng lực đỡ khối ngoại, đà giảm mạnh liên tiếp đã đẩy cổ phiếu này vào trạng thái tương tự.
Các nhóm cổ phiếu như Bất động sản, Khu công nghiệp còn tỏ ra nhạy cảm hơn khi KBC (-5,32%), DIG (-4,02%), DXG (-5,7%), IJC (-5,88%), KHG (-6,9%) giảm từ 4% trở lên.
VN-Index phiên 10/2Sắc đỏ đã phủ tới 65% số mã trên HOSE khi khép phiên. VN-Index lẽ ra đã mất nhiều điểm hơn nữa nếu như không có VCB (+1,6%) phải đứng ra cân điểm số. Chốt phiên, chỉ số giảm 8,73 điểm xuống 1.055,3 điểm (-0,82%).
HNX-Index kết phiên giao dịch đã để mất 1,14% còn UPCoM-Index vẫn tăng nhẹ 0,14% do chịu ảnh hưởng bởi cổ phiếu mới lên sàn là VNZ (+15%). Cổ phiếu này chỉ giao dịch 268 triệu đồng nhưng với vị thế vốn hóa lớn vẫn đủ sức làm bóp méo chuyển động của chỉ số UPCoM-Index.
Thực tế, các cổ phiếu được giao dịch mạnh nhất UPCoM hôm nay là BSR (-1,81%), C4G (-0,93%), SIP (-1,77%), ABB (-2,44%), CST (-7,93%) lại đồng loạt giảm giá.