Bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới chưa có những diễn biến mới. Hiện các chỉ số chứng khoán Mỹ đang có những phiên tăng/giảm đan xen. Tại châu Á, các chỉ số chủ yếu biến động trái chiều trong đó các chỉ số tiên phong như Hang Seng, SET cũng đang nối dài chuỗi các phiên đi ngang.
VN-Index tính từ đầu năm 2023 đã tăng 6,47% nhưng vẫn đang phải bám đuổi xu hướng của thế giới. Hiện đường MA200 đã được kéo xuống dần trong thời gian gần đây nên nhiệm vụ lấy lại xu hướng dài hạn cũng đang bớt khó khăn hơn. Tuy nhiên, trước khi có sự bứt phá lên trên đường MA200, mốc kháng cự 1.100 điểm vẫn đang là chướng ngại vật không hề dễ dàng. Kể từ tháng 12/2022, VN-Index đã có 2 lần phải lùi bước trước mốc 1.100 điểm.
Nhà đầu tư hiện chỉ có thể kỳ vọng quá trình điều chỉnh và tích lũy hiện tại sẽ củng cố đủ sức mạnh để chỉ số chinh phục các ngưỡng thử thách trong thời gian tới. Trong khi đó, rủi ro giảm thêm cũng chưa thể được loại bỏ. CTCK BIDV cho rằng, thị trường có khả năng sẽ giảm tiếp xuống vùng 1.050-1.060 và sẽ có lực bắt đáy tại vùng này.
Chất xúc tác
Khối ngoại cho đến hết phiên 8/2 đã mua ròng 6 phiên liên tiếp. Dù vậy, có thể sẽ nhận ra hành động của các nhà đầu tư ngoại đang có sự thay đổi. Các cổ phiếu đã không còn được giải ngân đều như giai đoạn trước thay vào đó là việc mua ròng khá chênh lệch với HPG và STB thường xuyên vượt trội hơn so với phần còn lại.
Trong khi đó, các phiên gần đây dòng tiền vào các quỹ ETFs nội và ngoại đều có sự chững lại nên các diễn biến trên càng củng cố cho quan điểm về sự tham gia của dòng tiền từ các quỹ chủ động.
Trong phiên sáng nay, riêng STB đã được mua ròng 320 tỷ đồng vượt xa HPG (+32 tỷ đồng), SSI (+21,5 tỷ đồng). Một số Bluechips như VNM (-40,5 tỷ đồng), VCB (-7 tỷ đồng) hiện còn bị rút tiền khiến cho cán cân mua ròng chỉ đang là 326 tỷ đồng.
Với việc mua ròng khoảng 12,5 triệu cổ phiếu STB trong sáng nay, gần như room sở hữu 30% đã được lấp đầy toàn bộ. Theo thống kê của HOSE trước phiên 9/2, khối ngoại chỉ còn được mua ròng 12,76 triệu cổ phiếu STB.
Vận động nhóm ngành
Dù STB đang là cổ phiếu được giao dịch mạnh nhất nhưng nhóm Ngân hàng lại chưa thực sự có nhiều cổ phiếu tích cực. Kể cả VCB (-0,2%) cũng đang khá lừng khừng sau khi lập kỷ lục giá đóng cửa vào phiên 6/2. Hiện mã này chủ yếu đang có những phiên điều chỉnh đan xen ngay tại vùng đỉnh.
Các mã BID (-0,11%), ACB (0%), CTG (0%), HDB (-1,09%), OCB (-0,55%) dù cùng có xu hướng tăng dài hạn cũng chỉ tạm thời đi ngang.
Thay vào đó, nhóm cổ phiếu Thủy sản mới đang có sự thể hiện tốt trong phiên sáng như CMX, ANV tăng trần còn IDI tăng 5,81%, VHC tăng 3,8%. Các mã này đều không thể có xu hướng tốt như Ngân hàng nhưng việc tăng mạnh đồng loạt lại giúp thị trường có thêm sức sống.
Hiện giá cá tra tăng mạnh trong những ngày gần đây nhờ nền kinh tế Trung Quốc mở cửa giao thương trở lại trong tháng 1/2023. Với giá thành nuôi là 30.000 đồng/kg, việc giá cá tăng lên 31.000đ/kg đang giúp người nuôi có lời.
Một số cổ phiếu khác như PVD (+3,6%), FIT (+6,9%), AAA (+4,5%) cũng đang giúp thị trường có thêm những điểm sáng. Độ rộng của sàn cuối phiên sáng đang có 35% mã tăng so với 44,7% mã giảm giá.
VN-Index cuối phiên sáng đang giảm nhẹ 3,82 điểm xuống 1.068 điểm (-0,36%). Giá trị giao dịch sàn đạt 219,47 triệu đơn vị, tương đương 4.040 tỷ đồng.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index tiếp tục biến động trái chiều trong biên độ hẹp. Giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 570 tỷ đồng.