Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ thống hướng dẫn đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc (CIFER), thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa chính thức phê duyệt, bổ sung thêm 23 cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.
Lũy kế đến đầu năm 2023, hệ thống CIFER của Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ghi nhận 802 doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang thị trường tỷ dân này.
Việc có thêm nhiều doanh nghiệp thủy sản được phép xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc ở thời điểm quốc gia này vừa mở cửa kinh tế được kỳ vọng sẽ giúp đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc tiếp tục khởi sắc trong năm 2023.
Trước đó, trong năm 2022, bất chấp việc Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero COVID”, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng mạnh so với năm 2021, đạt 477.000 tấn, tương đương gần 1,6 tỷ USD, tăng 33% về lượng và tăng 61% về trị giá so với năm 2021.
Ngoài ra, những ngày gần đây, giá cá tra cũng tăng mạnh nhờ nền kinh tế Trung Quốc mở cửa giao thương trở lại trong tháng 1/2023. Hiện giá cá tăng lên 31.000 đồng/kg đang giúp người nuôi có lời.
Những thông tin này cộng thêm kết quả kinh doanh khởi sắc của các doanh nghiệp thủy sản trong năm 2022 đã ngay lập tức tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp thủy sản trong phiên 9/2 giúp nhóm cổ phiếu này "bơi ngược dòng" khi thị trường chung giảm hơn 8 điểm.
Tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc và Mỹ
Theo đó, đến 10h30 sáng, các mã ANV (+7%), ACL (+6,8%), IDI (+6,8%), CMX (+7%) đã tăng kịch biên độ, trong khi các mã khác cũng tăng mạnh như VHC (+4,4%), FMC (+4,8%), ASM (+5,3%), MPC (+3,5%).
Và đến kết phiên, các mã ANV, ACL, IDI, CMX vẫn giữ được mức giá trần, trong khi VHC giảm đôi chút còn 4%. Một số mã cổ phiếu thủy sản khác cũng giữ được mức tăng khá ấn tượng như FMC (+3,2%), ASM (+4,2%), MPC (+2,3%).
Cổ phiếu của các doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt là doanh nghiệp cá tra tăng mạnh trong bối cảnh xuất khẩu cá tra đón những tín hiệu lạc quan từ thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù trong quý 4/2022, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã rơi xuống mức thấp nhất năm với 475 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021 trước tác động của lạm phát khiến đơn hàng từ các thị trường giảm, nhưng so với các ngành hàng khác, cá tra vẫn có triển vọng khả quan hơn trong năm 2023, nhờ những tín hiệu tích cực từ hai thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ.
VASEP cho biết, việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn đã khai thông cho nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có cá tra. Với 712 triệu USD trong năm 2022, cá tra chiếm 40% xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc – là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng giúp phí vận chuyển hàng hóa giảm xuống dưới mức trước đại dịch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thương mại.
Dù việc Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế đối với COVID chưa thể mang lại sự hồi phục mạnh mẽ cho đơn hàng thủy sản ngay trong những tháng đầu năm, song theo VASEP sau một vài tháng thị trường này sẽ thích ứng và bùng phát mạnh nhu cầu trong các phân khúc tiêu thụ.
Còn đối với thị trường Mỹ, diễn biến cung cầu cá thịt trắng đang có lợi cho cá tra. Các chuyên gia và các thương gia tại thị trường Mỹ đều nhận định lạc quan về nhu cầu cá tra và cá rô phi tại thị trường Mỹ trong năm 2023. Hai loài này đều có giá phù hợp và nguồn cung ổn định. Trong khi đó, lệnh cấm với Nga tiếp tục làm sụt giảm nguồn cung cá tuyết – loài cá thịt trắng vốn được ưa chuộng tại Mỹ. Đặc biệt, vào mùa Chay (từ cuối tháng 2 tới giữa tháng 4), nhu cầu sẽ tăng và sẽ phải bù đắp thiếu hụt bằng các loài khác như cá tra, cá rô phi, cá minh thái.
Năm 2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đạt 537 triệu USD, tăng 45% so với năm 2021, duy trì tăng trưởng dương từ 23% - 123% trong 3 quý đầu năm, nhưng lượng tồn kho tăng khiến nhu cầu giảm trong quý 4, nên quý cuối năm giảm 32%.
VASEP nhận định kinh tế Mỹ có tín hiệu hồi phục nhẹ, lượng tồn kho giảm và các yếu tố cung - cầu có thể sẽ kích thích các đơn hàng cho cá tra tăng trở lại từ sau Tết nguyên đán.
Trong báo cáo mới đây Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cũng kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa có thể khiến cho lượng tiêu thụ cá tra của nước này tăng lên đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung cá thịt trắng khác như cá Minh Thái từ Nga đang sụt giảm.
Tuy nhiên, theo Agriseco xuất khẩu cá tra vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn ở thị trường Mỹ và EU trong nửa đầu năm 2023 bởi tình trạng lạm phát và suy giảm tăng trưởng kinh tế. Do đó, phần tăng trưởng kỳ vọng từ thị trường Trung Quốc sẽ chỉ có thể bù đắp được phần nào cho sự sụt giảm đến từ các thị trường khác.
Kết quả kinh doanh quý 4/2022 thụt lùi nhưng cả năm vẫn đạt kỷ lục
Năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt mốc cao kỷ lục gần 11 tỷ USD, giúp Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới. Theo VASEP dự đoán, năm 2023 nếu tình hình đơn hàng tích cực trở lại vào cuối quý 1, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cả năm có thể đạt được 10 tỷ USD.
Mức tăng trưởng ấn tượng của xuất khẩu thủy sản trong năm 2022 cũng được phản ánh rõ nét vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành, trong đó nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục.
Tiêu biểu như “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn (VHC), mặc dù doanh thu quý 4 giảm 7% và lợi nhuận trước thuế (LNTT) đi lùi 56%, xuống 233 tỷ đồng, song tính chung cả năm 2022, doanh thu thuần của VHC vẫn tăng trưởng 46% so với năm trước, đạt 13.239 tỷ đồng, LNTT và LNST lần lượt đạt 2.320 tỷ đồng và 2.014 tỷ đồng, đều tăng 82% so với năm 2021. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục của doanh nghiệp này.
Một doanh nghiệp cá tra khác là CTCP Nam Việt (ANV) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh cao kỷ lục trong năm 2022 với doanh thu thuần hơn 4.897 tỷ đồng và lãi sau thuế 674 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và gấp 5,2 lần so với năm 2021.
Tương tự, CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (IDI) công bố doanh thu thuần năm 2022 đạt 7.930 tỷ đồng và LNST kỷ lục 599 tỷ đồng, tăng lần lượt 39% và 399% so với năm ngoái. Còn CTCP Tập đoàn Sao Mai (ASM) báo lãi 963 tỷ đồng, tăng 37%; CTCP Xuất nhập khẩu Cửu Long (ACL) cũng lãi sau thuế 119 tỷ đồng, tăng 183%; LNST của CTCP Camimex Group (CMX) tăng gần 14%, đạt 95 tỷ đồng.
Trong khi đó, lợi nhuận nhóm doanh nghiệp xuất khẩu tôm kém khởi sắc hơn khi CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) công bố doanh thu thuần đạt gần 5.702 tỷ, LNST 320 tỷ, lần lượt tăng 10% và tăng 11,5% so với năm 2021. Công ty mẹ “vua tôm” Minh Phú (MPC) lại ghi nhận doanh thu giảm 12%, xuống 8.925 tỷ, song LNST vẫn đạt 802 tỷ, tăng 51% so với năm ngoái.