Bước sang năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn với ngành ngân hàng và vì vậy, việc quản trị chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động càng được chú trọng hơn. Báo cáo tài chính quý I/2024 của 27 ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng cũng đang có sự phân hóa đáng kể.
Theo dữ liệu của nền tảng Wichart, thống kê 27 ngân hàng niêm yết cho thấy tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trong 4 quý gần nhất đạt gần 16,72%, giảm 0,28 điểm % so với năm 2023 (17%).
Theo đó, ngân hàng có ROE dẫn đầu toàn ngành trong 4 quý gần nhất là HDBank với 25,1%. Xếp thứ hai là VIB với 23,69%. Yếu tố quan trọng giúp ROE VIB đạt mức cao đến từ nguồn thu ngoài lãi dồi dào được phát sinh trên nguồn vốn chủ có sẵn mà không cần gia tăng thêm nguồn vốn chủ sở hữu. Đồng thời, VIB là một trong những ngân hàng có rủi ro tín dụng tập trung thấp nhất thị trường với tỷ trọng dư nợ bán lẻ chiếm đến 85% tổng danh mục cho vay. Trong đó, trên 90% khoản vay có tài sản đảm bảo chủ yếu là nhà ở, đất ở với đầy đủ pháp lý và có tính thanh khoản tốt.
Tiếp đến là ACB, MBBank, LPBank, Vietcombank, NamABank, BIDV, Sacombank, Vietinbank, với ROE lần lượt 23,03%; 22%; 21,48%; 20,52%; 19,26%; 18,7%; 17,93%; 16,6%.
Trong khi đó, có đến 9 ngân hàng ghi nhận ROE dưới 10%, phần lớn là các ngân hàng nhỏ.
Về ROA (tỉ suất sinh lời trên tổng tài sản), dữ liệu của Wichart cho thấy nhiều ngân hàng có sự cải thiện so với cùng kỳ, nguyên nhân là tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tích cực.
Thống kê cho thấy ROA 4 quý gần nhất của 27 ngân hàng ở mức 1,49%, tăng so với mức 1,24% thời điểm quý IV/2023.
Đứng đầu toàn ngành là Techcombank với ROA đạt 2,5%. Theo giới phân tích, Techcombank liên tục duy trì tỷ lệ ROA cao nhất hệ thống nhờ chiến lược tập trung tăng nguồn tiền gửi không kì hạn giá rẻ dẫn đến tỉ lệ CASA cao hàng đầu hệ thống trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, tỷ trọng nguồn thu ngoài lãi cao cho phép Techcombank gia tăng các thu nhập mà không cần thiết phải tăng thêm quy mô tài sản.
Điểm chung của các ngân hàng có ROA cao là đều có cơ cấu nguồn thu đa dạng và thu nhập ngoài lãi tăng trưởng mạnh.
Đơn cử như MBBank, các nguồn thu ngoài lãi của ngân hàng trong quý đầu năm đều ghi nhận tăng trưởng mạnh. Theo đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 37%, hoạt động ngoại hối tăng 24%, đạt 462 tỷ đồng và lãi từ chứng khoán đầu tư tăng 61%, đạt 217 tỷ đồng trong quý 1/2024. Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán mang về cho MB gần 1.000 tỷ đồng. Trong khi tổng tài sản giảm 4,7% so với cùng kỳ. Điều này giúp tỷ suất ROA của MB tăng mạnh thứ hai hệ thống, chỉ sau Techcombank.
Ngoài những cái tên kể trên, những ngân hàng có ROA cao còn có ACB (2,36%), VIB (2,18%), HDBank (2,14%), Vietcombank (1,8%), MSB (1,8%)...
Tại báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng 2024 của Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận định ROE toàn ngành đang có xu hướng giảm lần lượt từ 19,8% xuống 15,9% còn ROA toàn ngành đang giảm từ 1,5% xuống 1,4% từ năm trước đến năm nay.
“Năm 2024 chúng ta có thể kỳ vọng ROE và ROA tăng trở lại với mức tăng lợi nhuận cao hơn so với năm trước và mức tăng vốn sẽ chậm lại so với các năm gần đây”, VPBankS đánh giá.
CIR phân hóa rõ rệt giữa các ngân hàng
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại đã được dự liệu từ hồi đầu năm, nhiều ngân hàng chú trọng hơn việc quản trị chi phí, kiểm soát tốc độ tăng của chi phí thấp hơn tốc độ tăng thu nhập để cải thiện tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) - đây cũng là một trong các chỉ số phản ánh hiệu quả kinh doanh của ngân hàng.
CIR càng thấp càng cho thấy ngân hàng tốn ít chi phí hơn khi tạo ra mỗi đồng doanh thu, từ đó góp phần gia tăng lợi nhuận.
Từ năm 2023 đến nay, trong các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên yêu cầu các ngân hàng tối ưu chi phí hoạt động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay cho thấy CIR đang là một trong những chỉ số được quan tâm hàng đầu.
Tổng hợp báo cáo tài chính quý I của các ngân hàng cho thấy, tỷ lệ CIR có sự phân hóa và biến động trái chiều.
Nhóm ngân hàng được đánh giá có khả năng kiểm soát chi phí tốt thường ghi nhận tỷ lệ CIR ở quanh mức 30% có thể kể đến như SHB (19,1%), Vietinbank (25,2%), VPBank (25,8%), Techcombank (26,5%), Vietcombank (29,2%)...
Trong khi đó, một số ngân hàng có tỷ lệ CIR cao trên 50% là BVBank (67,1%), Saigonbank (66,6%), Bac A Bank (59,5%), PGBank (58%), ABBank (57,9%)... Có thể thấy, đây chủ yếu là các ngân hàng quy mô nhỏ, có hành trình chuyển đổi số muộn hơn, độ phủ cũng ít hơn cho nên chỉ số CIR biểu thị cho chi phí trên mỗi đồng doanh thu thường cũng lớn hơn.
Đáng chú ý, có 14/27 ngân hàng ghi nhận CIR cải thiện tích cực hơn so với cùng kỳ. Trong đó, BaoViet Bank có CIR giảm từ 96,4% xuống 34,5%, tương đương mức giảm tới 61,9 điểm %. Có được sự cải thiện này là nhờ vào tổng thu nhập hoạt động của BaoVietBank trong 3 tháng đầu năm đã tăng mạnh 210% so với cùng kỳ, trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng ở mức 11%.
Hay Techcombank, nhờ cải thiện CIR tích cực ở mức 26,5%, giảm 7,3 điểm % so với quý 1/2023, nhà băng này đã vươn lên có tỷ lệ CIR thấp thứ 4 trong toàn ngành. Tổng thu nhập hoạt động của Techcombank trong quý 1 tăng 32%, trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng 3,4%. Việc này cũng góp phần đưa Techcombank vượt lên đứng ở vị trí á quân toàn ngành về lợi nhuận với lãi trước thuế tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.
Một ngân hàng khác là BVBank cũng có sự chuyển biến ấn tượng về CIR, giảm từ 82,4% cùng kỳ xuống còn 67,1%.
Ngoài ra, một số ngân hàng ghi nhận CIR cải thiện đáng kể như LPBank (30,7% - giảm 12,3 điểm %), VietABank (35,5% - giảm 9,6 điểm %), TPBank (35,8% - giảm 7,4 điểm %). Sở dĩ CIR của nhóm ngân hàng này giảm một phần nhờ gia tăng xu hướng số hóa, cắt giảm nhân sự và hiệu quả hoạt động tiếp tục được cải thiện.