Chưa xuất hiện tình trạng điều chỉnh hàng loạt của các cổ phiếu Ngân hàng
Tính đến hết tháng 4/2024, VN-Index đã tăng trưởng 7,04%, qua đó vẫn nối tiếp được thành quả của năm 2023 (+12,2%). Dù đang ở trong một năm đi lên, thị trường vẫn có thể xuất hiện những nhịp thoái lui, thậm chí là điều chỉnh (mức giảm trên 10%).
Điển hình như nhịp giảm của VN-Index kể từ đầu tháng 4/2024 cho tới nay: chỉ số đã gần bước tới ranh giới của trạng thái điều chỉnh với mức giảm từ mức đỉnh của năm 2024 xuống mức thấp nhất đo được là 9,89%.
Các phiên hồi phục ngay trước kỳ nghỉ lễ đã giúp thị trường tạm tránh được mốc điều chỉnh và đồng thời giúp giữ lại ngưỡng 1.200 điểm. Tuy nhiên, sự sợ hãi của nhà đầu tư vẫn chưa hoàn toàn biến mất nên sẽ cần những tín hiệu dẫn dắt từ các cổ phiếu lớn để giúp sự tự tin quay trở lại.
Trong đó, nhóm cổ phiếu nòng cốt là Ngân hàng sẽ giành được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư bởi đây cũng chính là nhóm đã dẫn dắt đà tăng của thị trường trong giai đoạn đầu năm 2024.
Theo thống kê từ cả 3 sàn, đã có 14/27 mã Ngân hàng ghi nhận mức giảm trên 10% từ mức đỉnh của năm 2024, tương ứng với trạng thái điều chỉnh. Trong đó, một số mã thậm chí còn giảm trên 20% như PGB (-26%), NVB (-27%), đồng nghĩa với trạng thái thị trường con gấu (Bear Market).
Tuy nhiên, đây chỉ là 2 cổ phiếu cá biệt của nhóm Ngân hàng do có thanh khoản thấp cùng vị thế vốn hóa nhỏ so với các "ông lớn" trong ngành. Thực tế, vẫn có 13 mã giảm dưới 10% và 12 mã giảm từ 10-20%.
Ngoài ra, trong top 10 cổ phiếu có thanh khoản cao nhất (dựa trên bình quân 20 phiên gần nhất), tỷ lệ cổ phiếu chưa điều chỉnh và đã điều chỉnh vẫn đang cân bằng với 5/5 mã.
Hiện trạng các cổ phiếu Ngân hàng đã phá kỷ lục giá ra sao?
Đi sâu hơn vào vận động của các cổ phiếu Ngân hàng, nhà đầu tư cũng cần chú ý hơn tới những cổ phiếu "mạnh" nhất - những cổ phiếu lập kỷ lục giá trong giai đoạn đầu năm 2024. Cụ thể, đã có 7 cổ phiếu lập kỷ lục giá cao nhất thời đại và một trường hợp "suýt" phá kỷ lục là CTG.
Theo thống kê, cổ phiếu CTG đã có mức giá cao nhất trong năm 2024 là 37.150 đồng/cổ phiếu, cách đúng 10 đồng so với mức giá cao nhất thời đại.
Với 8 cổ phiếu "mạnh" nhất ngành Ngân hàng, chỉ có 3 mã đã ghi nhận sự điều chỉnh là CTG (-12%), MBB (-13%), BID (-13%).
Trong khi đó, có tới 5 cổ phiếu chưa xuất hiện sự điều chỉnh là NAB (-1%), LPB (-2%), HDB (-4%), ACB (-7%), VCB (-9%) trong đó LPB mới xác lập mức giá cao nhất lịch sử vào phiên giao dịch ngày 25/4 (trước kỳ nghỉ lễ 1 phiên giao dịch).
Được biết, LPB đang có hàng loạt những động thái chuyển mình trong thời gian qua như đổi tên thành Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam, tăng vốn gấp 16 lần cho Công ty Chứng khoán LPBS. Ngoài ra, LPB cũng chuẩn bị chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tăng thêm 8.000 tỷ đồng vốn điều lệ.
Nhìn chung, LPB cùng những cổ phiếu "mạnh" nhất của nhóm Ngân hàng vẫn thể hiện bản lĩnh khá tốt trong nhịp giảm vừa qua thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu những cổ phiếu này không xuất hiện những chuyển biến tiêu cực sau kỳ nghỉ lễ, cơ hội thị trường tạo đáy cũng sẽ sáng hơn giúp cho niềm tin có thể trở lại với thị trường.
Đánh giá về xu hướng thị trường, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam cho biết thị trường có thể tìm được đáy ngắn hạn giai đoạn cuối tháng 4/2024. Nhiều cổ phiếu Ngân hàng đã giảm trước thị trường và cũng về mức định giá PB khá cân bằng.
Với nhà đầu tư đang trong vị thế nắm giữ cổ phiếu, nếu không chịu áp lực margin thì nên tiếp tục nắm giữ trong khi nhà đầu tư nắm giữ tiền, có thể cân nhắc giải ngân một phần với tỷ trọng 20-30% để thăm dò.
"Ngân hàng, Chứng khoán sẽ là nhân tố không thể thiếu khi thị trường hồi phục trở lại", ông Minh cho biết thêm.