Chứng khoán Việt Nam đi ngược lại xu thế "sell in May" khi tăng mạnh 26 điểm lên kết thúc tháng ở trên ngưỡng 1.075 điểm. Tình hình vĩ mô xuất hiện tín hiệu tích cực, đặc biệt việc NHNN có lần thứ ba hạ lãi suất điều hành đã giúp tâm lý nhà đầu tư phần nào được cởi trói. Minh chứng là thanh khoản tháng 5 tăng tốt, giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE đạt gần 11.000 tỷ đồng/phiên, tăng 10% so với tháng trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân ba sàn trong tháng 5 vượt 13.600 tỷ đồng/phiên.
Hướng tới những phiên giao dịch tháng 6, thông tin nhà đầu tư có thể tham khảo là dữ liệu quá khứ về VN-Index trong tháng 6 của những năm trước. Cụ thể, theo thống kê trong hơn 22 năm hoạt động của chứng khoán Việt Nam, VN-Index có 10 lần tăng điểm trong khi số lần giảm là 12.
Những lần điều chỉnh vào tháng 6 thường có biến động tương đối với biên độ giảm từ 1-5% ghi nhận trong những năm 2002, 2006, 2007, 2008. Xét trong giai đoạn gần hơn, 4/5 năm gần nhất chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh trong tháng 6 trong đó mạnh nhất là năm 2022 với mức chỉnh 7,4%.
Ở chiều ngược lại, những tháng 6 tăng điểm tốt cũng không phải hiếm với mức tăng mạnh nhất ghi nhận được vào năm 2001 (23,75%). Gần nhất trong năm 2021, VN-Index đã tăng hơn 6%.
Đặc biệt, xét cả về diễn biến hai tháng 5-6, có 5 lần VN-Index tiếp đà tăng điểm hai tháng liên tiếp trong khi có 3 lần VN-Index tăng trong tháng 5 song đảo chiều điều chỉnh vào tháng 6.
Thực tế, việc chỉ số VN-Index biến động mạnh trong tháng 6 hàng năm là điều dễ hiểu khi đây sẽ là giai đoạn hé lộ dần bức tranh kết quả kinh doanh quý 2 cũng như 6 tháng đầu năm. Do đó, niềm tin của nhà đầu tư vào khoản lãi lỗ sẽ tác động lớn tới diễn biến giá cổ phiếu. Đồng thời, những thông tin vĩ mô nửa đầu năm cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới bức tranh chung trong đó có thị trường chứng khoán.
Theo đánh giá mới đây của HSBC, bức tranh kinh tế Việt Nam nhìn chung vẫn có những điểm sáng như lạm phát hay tại ngành dịch vụ. Cụ thể, đà lạm phát toàn phần vẫn ổn định trong tháng 5, đưa lạm phát toàn phần cả năm so với cùng kỳ năm trước xuống 2,4%. Đặc biệt, với mùa du lịch hè sắp tới và khả năng nới lỏng các hạn chế về thị thực. HSBC kỳ vọng Việt Nam có thể sẽ chứng kiến một cú hích mạnh hơn từ du lịch quốc tế, một nguồn hỗ trợ rất cần thiết đối với nền kinh tế đang có phần chững lại.
Bên cạnh đó, tình hình vĩ mô ổn định cũng tạo nền tảng giúp NHNN có dư địa giảm lãi suất 3 lần kể từ trung tuần tháng 3. Lãi suất huy động giảm đã giúp TTCK dần trở nên hấp dẫn hơn so với thời điểm đầu năm 2023. Lãi suất giảm kỳ vọng sẽ dần có tác động tích cực tới thu nhập thị trường trong thời gian tới cũng như giảm chi phí cơ hội khi đầu tư chứng khoán.
VNDirect trong báo cáo mới cập nhật đã dự phóng tương đối khả quan về diễn biến của VN-Index. Theo đó, hàng loạt chính sách hỗ trợ đã và đang được triển khai trong thời gian qua đã kéo cán cân rủi ro/cơ hội của thị trường đang dần nghiêng về phía tích cực. Dòng tiền thông minh cũng đã bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại TTCK khi thanh khoản của thị trường cải thiện dần trong vòng một tháng gần đây. Những tín hiệu tích cực trên sẽ tiếp tục duy trì và chỉ số VN-Index kỳ vọng có thể bứt phá qua vùng kháng cự mạnh 1.080- 1.100 điểm để hướng tới các cột mốc cao hơn trong tháng 6.
Song, nhà đầu tư cũng nên lưu ý tới tình trạng bán ròng của khối ngoại trong vài tuần trở lại đây. Hiện dòng tiền cá nhân và tổ chức nội vẫn đủ cân bằng và hấp thụ toàn bộ lực cung, song áp lực sẽ có thể tiếp tục gia tăng sắp tới. Đặc biệt khi định giá thị trường cũng như giá nhiều cổ phiếu đã tăng đáng kể từ vùng đáy 11/2022 - giai đoạn nhà đầu tư ngoại gom ròng kỷ lục. Ngoài ra, cũng cần chú ý rủi ro giảm điểm đến từ nguy cơ suy thoái tại Mỹ và Châu Âu tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Biểu đồ P/E và VN-Index