Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 5.888 tỷ đồng
Ngày 17/4 tới, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - SeABank sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2024 với nhiều nội dung quan trọng dự kiến sẽ được đưa ra bao gồm tăng vốn, mua lại công ty chứng khoán, bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát,..
Về kế hoạch kinh doanh, trong năm 2024, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 5.888 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.710 tỷ đồng, tăng 28% so với kết quả thực hiện năm 2023.
Tổng tài sản của ngân hàng dự kiến sẽ mở rộng thêm 10% vào cuối năm nay. Tăng trưởng nguồn vốn huy động dự kiến là 16% trong khi tăng trưởng tín dụng của SeABank được định hướng đạt 16,1% so với năm 2023, phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước. ROA và ROE dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện, lần lượt lên 1,69% và 13,9% vào năm 2024. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức dưới 3%.
Tăng vốn điều lệ lên 30 nghìn tỷ đồng
Tại đại hội lần này, HĐQT SeABank sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn từ 24.957 tỷ đồng lên tối đa 30.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 20,2% thông qua ba cấu phần bao gồm: phát hành cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 13,2%), phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu là thặng dư vốn cổ phần, phát hành ESOP và phát hành riêng lẻ.
Cấu phần thứ nhất, SeABank dự kiến sẽ phát hành 329 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành 10,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, tăng vốn điều lệ lên mức 28.350 tỷ đồng. Thời điểm dự kiến hoàn thành là trong năm 2024.
Nguồn phát hành cổ phiếu để trả cổ tức là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế tại thời điểm cuối năm 2023 theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã kiểm toán (hơn 3.400 tỷ đồng). Nguồn phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu là thặng dư vốn cổ phần tại thời điểm 31/12/2023 theo BCTC riêng năm 2023 đã kiểm toán (106,2 tỷ đồng).
Ở cấu phần thứ hai, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành 45 triệu cổ phiếu theo Chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2024, tăng vốn điều lệ thêm 450 tỷ đồng. Giá phát hành dự kiến sẽ do HĐQT quyết định, nhưng không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm, đồng thời người mua ESOP sẽ không nhận được cổ tức từ cấu phần thứ nhất.
Cuối cùng, SeABank dự kiến chào bán tối đa 120 triệu cổ phiếu riêng lẻ hoặc phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ, giúp vốn điều lệ tăng thêm 1.200 tỷ đồng.
Thời điểm chào bán dự kiến trong năm 2024-2025 theo chấp thuận của cơ quan Nhà nước. Giá thỏa thuận không thấp hơn giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính (hợp nhất và riêng lẻ) của SeABank được kiểm toán/soát xét gần nhất tại thời điểm HĐQT quyết định giá chào bán.
Phương án phát hành này sẽ thay thế cho phương án phát hành riêng lẻ 94,6 triệu cổ phiếu đã được ĐHĐCĐ 2023 thông qua. Vào cuối năm 2023, SeABank đã dừng thực hiện phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho Quỹ đầu tư cho các quốc gia đang phát triển của Na Uy (Norfund).
Mua cổ phần công ty chứng khoán ASEAN, bầu bổ sung thành viên HĐQT
Tại đại hội, HĐQT SeABank cũng sẽ trình cổ đông thông qua chủ trương mua cổ phần tại CTCP Chứng khoán ASEAN để công ty này trở thành công ty con của SeABank.
CTCP Chứng khoán ASEAN được thành lập từ năm 2006 với tên ban đầu là CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, hiện có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Địa chỉ trụ sở chính của công ty là tầng 4, 5, 6 và 7, số 3 Đặng Thái Thân, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Dự kiến SeABank có thể mua tối đa 100% vốn điều lệ của Chứng khoán ASEAN. Tỷ lệ cụ thể sẽ do HĐQT quyết định để đảm bảo Chứng khoán ASEAN trở thành công ty con của SeABank.
Hiện Chứng khoán ASEAN đang có 3 cổ đông lớn bao gồm Công ty TNHH Phát triển thương mại dịch vụ Vĩnh Lộc, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Thành Kim và Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Toàn Phú đều là những cổ đông đang sở hữu trên 10% vốn điều lệ công ty.
Một nội dung quan trọng khác sẽ được đưa ra thảo luận tại đại hội của SeABank lần này là bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT và một thành viên Ban Kiểm soát.
Theo tài liệu của ngân hàng, hiện có một ứng viên dự kiến bầu bổ sung vào vị trí thành viên HĐQT là bà Trần Thị Thanh Thủy, Phó Tổng Giám đốc SeABank. Bà Thủy sinh năm 1965, có trình độ Thạc sỹ kinh tế tại Học viện Ngân hàng.
Bà Thủy có hơn 35 năm làm việc trực tiếp trong ngành tài chính - ngân hàng tại các tổ chức như ngân hàng Vietcombank, SeABank. Tại SeABank, bà giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc từ năm 2015 đến nay và phụ trách công tác phát triển khách hàng ưu tiên.
Trong khi đó, ứng viên cho vị trí thành viên Ban Kiểm soát của SeABank là ông Hoàng Mạnh Phú, Phó Tổng Giám đốc SeABank. Ông Phú sinh năm 1970, có trình độ cử nhân kinh tế tại Học viện Ngân hàng và đã có gần 6 năm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc.