Tâm lý giao dịch đầu tuần khá thận trọng trước cuộc họp của FED, kể cả cổ phiếu Bluechip cũng đang dè dặt dù có thông tin tích cực hỗ trợ.
Định vị thị trường
Sau tuần giao dịch nhiều sự kiện, thị trường chứng khoán thế giới hướng đến cuộc họp của FED trong 2 ngày tới. Xác suất FED tăng lãi suất 0,25% đang là hơn 60% trong khi kịch bản giữ nguyên lãi suất cũng có khả năng xảy ra với gần 40%.
Vận động của thị trường chứng khoán Mỹ cũng ở trong giai đoạn nhạy cảm khi chỉ số S&P 500 đã lùi về ngay khu vực của đường MA200 và nhà đầu tư gần như rất khó xác định được xu hướng giao dịch. Hiện chỉ số VIX xác định mức độ biến động đang neo ở vùng cao là hơn 25 điểm.
Tâm lý của nhà đầu tư châu Á cũng đã tỏ rất thận trọng ở tuần vừa qua khi phần lớn các chỉ số của Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản đều giảm điểm trong khi một số thị trường như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc đã tăng không đáng kể. Chỉ số VN-Index nằm trong nhóm giảm điểm với biên độ khá hẹp nhưng hiện cũng nằm ở khu vực nhạy cảm do đã tạm thời đánh mất xu hướng tăng ngắn hạn.
Chất xúc tác
Một trong những nhân tố quan trọng để giúp biên độ giảm của thị trường Việt Nam hẹp hơn so với nhiều nước trong khu vực là do có dòng tiền nước ngoài mua ròng mạnh mẽ. Theo thống kê, đã có hơn 2.300 tỷ đồng chảy vào toàn thị trường trong đó HSG và POW là những cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất.
Hiện dòng tiền từ ETF của Đài Loan là quỹ FUBON vẫn đang "túc tắc" đổ vào. Theo thống kê của Fiingroup, trong cả 3 phiên cuối tuần trước, quỹ đều nhận được hơn 100 tỷ đồng. Tổng giá trị nhận được trong 3 phiên này là hơn 400 tỷ đồng.
Bên cạnh dòng tiền ngoại, dòng tiền nội thực tế cũng có sự hỗ trợ nhất định từ những động thái bơm/rút ròng của Ngân hàng nhà nước (NHNN) trên thị trường mở. Bất chấp việc hạ một loạt lãi suất điều hành, NHNN đã cắt được chuỗi 5 tuần rút ròng liên tiếp khi bơm ra 52,47 nghìn tỷ đồng. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm cũng đã có thời điểm về còn 5,65%.
Nhờ đó, thanh khoản của HOSE đã ghi nhận tuần thứ 2 liên tiếp gia tăng về khối lượng.
Vận động nhóm ngành
Với việc sắc đỏ vẫn đang lấn lướt cả châu Á trong khi khối ngoại cũng không giải ngân sáng nay, thị trường Việt Nam giảm gần 14 điểm xuống 1.031,19 điểm (-1,33%).
Sức ép đến từ các cổ phiếu lớn khi biên độ của VN30 còn lớn hơn cả VN-Index, giảm 1,76% xuống 1.029,31 điểm. Hiện tại rổ đang có 27/30 mã giảm giá bao gồm cả những trụ cột hàng đầu như VCB (-1,1%), BID (-1,6%), VIC (-2,6%).
VHM (+1,2%), PLX (+1,1%) là 2 trường hợp duy nhất tăng giá trong đó VHM đi ngược thị trường nhờ thông tin CapitaLand đang đàm phán mua tài sản trị giá khoảng 1,5 tỷ USD từ Vinhomes. Tuy nhiên, với trạng thái thanh khoản của VHM gần như là không đáng kể, đạt chưa đến 50 tỷ đồng thì vai trò của VHM rõ ràng chưa được nhà đầu tư đánh giá cao.
So với phản ứng của một mã khác cũng trong nhóm Vingroup là VRE vào cuối tháng 2 sau khi có thông tin M&A liên quan tới Central Retail của Thái Lan, phản ứng của VHM đang có phần khá "hời hợt".
Ảnh hưởng của các cổ phiếu vẫn là mấu chốt để nhà đầu tư hành động. Cả HOSE cuối phiên sáng có gần 70% mã giảm. Các nhóm ngành Ngân hàng, Chứng khoán, Thép, Bất động sản , Năng lượng, Dầu khí , Bán lẻ hầu hết đều giảm giá.
Sự "phản kháng" chỉ đang xuất hiện ở một số cổ phiếu Đầu tư công như CII (+4,26%), KSB (+3,21%), LCG (+0,41%), HHV (+0,77%). Nếu như dòng tiền có được sự tự tin thì các mã trên sẽ có thể có biên độ tăng giá rộng hơn.
Dù vậy, tâm lý thận trọng đang kéo giá trị giao dịch cả phiên sáng chỉ đạt 3.683 tỷ đồng. 2 sàn HNX và UPCoM cũng chỉ đạt gần 500 tỷ đồng và đều bị sắc đỏ lấn lướt. HNX-Index mất 0,67% xuống 203,09 điểm còn UPCoM-Index mất 0,3% xuống 76,2 điểm.