Năm 2023, theo dự báo của Forbes Advisor, doanh số thương mại điện tử sẽ tăng 10,4%, đạt tổng giá trị 6,3 nghìn tỷ USD trên toàn cầu. Tại Việt Nam, quy mô thị trường thương mại điện tử trong năm 2025 có thể lên tới 57 tỷ USD theo dự báo của Google.
Theo thống kê của nền tảng số liệu thị trường Metric, trong quý 1/2023, tổng doanh số của 5 sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop) là 39 nghìn tỷ đồng. Tổng số shop bán có phát sinh đơn hàng là 413 nghìn, 390 triệu sản phẩm giao hàng thành công, tăng trưởng doanh thu 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu toàn thị trường của quý 1/2023 là 21,8% so với cùng kỳ năm 2022. Gián đoạn bởi 2 tuần nghỉ Tết, tổng doanh số quý 1/2023 giảm nhẹ 8,8% so với 3 tháng cuối năm 2022.
Những lực đẩy giúp TikTok Shop bứt phá
Trong các sàn thương mại điện tử hiện nay, Shopee có thị phần doanh thu lớn nhất với 63%. TikTok Shop ra đời sau nhưng nhanh chóng cán mốc doanh số 6.000 tỷ đồng, trở thành sàn có doanh thu cao thứ 3 sau Shopee (doanh thu 24,7 nghìn tỷ đồng) và Lazada (7,5 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó, Tiki và Sendo có doanh thu khá khiêm tốn lần lượt là 846,5 tỷ và 55 tỷ đồng.
Ra mắt từ tháng 4/2022, TikTok Shop áp dụng thu phí người bán ở mức 1% trên tổng giá trị đơn hàng. Từ giữa tháng 10/2022, mức phí áp dụng thu với người bán được TikTok Shop điều chỉnh, nâng lên thành 2,5%. Dù vậy, mức này vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 8-14% của các sàn thương mại điện tử khác. Đây được xem là cách TikTok Shop “hút” người bán mới trong thời gian đầu trình làng.
Tiếp theo, TikTok Shop được “thừa kế” cộng đồng người dùng khổng lồ từ TikTok. Nền tảng này chỉ mất 3 năm từ năm 2017 để đạt được con số 800 triệu người dùng. Tại Việt Nam, TikTok có hơn 13 triệu người dùng mỗi tháng. Nền tảng này ngày càng phổ biến với giới trẻ, họ dành thời gian nhiều hơn 62% (khoảng 23 phút mỗi ngày) để xem video so với YouTube.
Thứ ba, TikTok Shop hoạt động theo mô hình Giải trí - mua sắm (Shoppertainment) với nhà sáng tạo nội dung đóng vai trò kết nối doanh nghiệp với khách hàng. Nhờ vậy, tỷ lệ người sử dụng nền tảng mua hàng rất cao (40%). Tốc độ đưa ra quyết định mua sắm cũng nhanh hơn 1,5 lần so với các nền tảng khác.
Cuối cùng, TikTok Shop kịp thời bắt được xu hướng bán hàng qua livestream, bắt đầu bùng nổ từ năm 2022. Theo các chuyên gia, livestream có nhiều ưu điểm hơn bán hàng thương mại điện tử thông thường. Khách hàng cảm nhận rõ hơn về sản phẩm, tương tác trực tiếp với người bán.
CEO một startup sản xuất phụ kiện công nghệ Việt chia sẻ doanh số bán hàng của thương hiệu trên TikTok Shop có thời kỳ tăng theo cấp số nhân. Vị này rất bất ngờ bởi đơn hàng được chốt nhanh chóng và liên tục khi bản thân CEO này trực tiếp đứng livestream. Thậm chí, TikTok Shop trở thành kênh phân phối chủ lực của hãng dù triển khai sau các kênh khác.
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Theo thống kê của Metric, về số lượng sản phẩm bán ra trong quý 1/2023, Shopee cũng áp đảo với 289,7 triệu sản phẩm so với 55,2 triệu của Lazada, 42,1 triệu sản phẩm của TikTok Shop.
Xét về ngành hàng, làm đẹp vẫn có doanh thu và số sản phẩm bán ra cao nhất với doanh số 6,6 nghìn tỷ đồng và 62,3 triệu sản phẩm bán ra.
Xét về phân khúc giá, các sản phẩm có giá từ 100-200 nghìn đồng và 200-500 nghìn đồng đem lại doanh thu cao nhất ở 5 sàn thương mại điện tử trong quý 1/2023, với tỷ trọng lần lượt là 24,1% và 25,8%. Trong khi đó, các sản phẩm có giá từ 10-50 nghìn đồng đem lại sản lượng bán hàng lớn nhất (hơn 140 triệu sản phẩm).
Về thị phần doanh thu theo vùng miền, thống kê trên 2 sàn Shopee và Sendo, Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương có doanh thu thương mại điện tử lớn nhất với lần lượt 10,7 nghìn tỷ và 9,2 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt theo thống kê từ Metric, số lượng lớn shop có lượng bán sản phẩm giảm mạnh trong quý 1/2023 so với cùng kỳ năm trước cho thấy sự cạnh tranh trên nền tảng thương mại điện tử ngày càng lớn. Khi shop nào có mặt hàng chủ lực bán tốt, lập tức sẽ bị các đối thủ cạnh tranh, tung sản phẩm tương tự với mức giá cạnh tranh hơn để hút khách.