Cả hệ thống vào cuộc
Trong năm 2023, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là các khó khăn vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn.
Ngay trong tháng 2/2023, lãnh đạo Chính Phủ đã chủ trì Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn lành mạnh, bền vững. Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng của thị trường bất động sản, những khó khăn, vướng mắc; đề xuất giải pháp đối với lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực liên quan để thúc đẩy thị trường bất động sản tiếp tục phát triển lành mạnh, bền vững.
Đến tháng 3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 08 về tháo gỡ trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản được đáo hạn trái phiếu. Đây là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp đàm phán với trái chủ về giãn hoãn nợ, bán chiết khấu tài sản, đổi tài sản lấy trái phiếu… Cũng trong tháng 3/2023, Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững được ban hành.
Bước sang tháng 8/2023, tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, nhiều vướng mắc, trở ngại đã được đưa ra bàn thảo và đề xuất giải pháp. Người đứng đầu của Chính phủ một lần nữa nêu cao tinh thần quyết liệt “khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó, khó khăn ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”.
Tiếp tục đẩy mạnh khơi thông dòng vốn, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước liên tục có động thái hạ nhiệt lãi suất.
Trong năm, Thủ tướng Chính phủ cũng trực tiếp có những công điện chỉ đạo sát sao các Bộ ngành, địa phương trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp và thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.
Đặc biệt, Công điện số 1376/CĐ- TTg ngày 17/12/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Công điện được ban hành trong bối cảnh thị trường bất động sản đã có chuyển biến tích cực rõ nét song vẫn còn đối diện với nhiều thách thức.
Đáng chú ý, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, tháng 11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) sẽ góp phần giải quyết đáng kể những “gọng kìm” đang “kẹp chặt” thị trường và doanh nghiệp. Cùng đó, Luật Đất đai dự kiến cũng sẽ sớm thông qua trong kỳ họp gần nhất để đồng bộ hành lang pháp lý cho lĩnh vực này.
Theo ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo bất động sản, thời gian qua, bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, nhanh chóng và kịp thời của Chính phủ, các Bộ ngành, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng đã góp phần “phá băng” thị trường địa ốc.
“Những quy định mới trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản trở thành bước đệm để thị trường trở nên minh bạch, dần phục hồi. Trong thời gian tới, cùng với việc Luật Đất đai sửa đổi được thông qua, bất động sản sẽ có nền tảng chắc chắn để phát triển theo quỹ đạo bình ổn”, ông Nguyễn Đức Lập đánh giá.
Dự báo những “gam màu sáng” trong năm 2024
Sau nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan ban ngành trong các chính sách điều hành thị trường, những tín hiệu tươi sáng đã bắt đầu xuất hiện rõ nét trên thị trường bất động sản ở thời điểm nửa cuối năm 2023. Loạt tín hiệu vui xuất hiện như thanh khoản trên thị trường đã trở lại, nguồn cung dồi dào.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, các tháng cuối năm 2023, thanh khoản thị trường đã gia tăng trở lại, không còn trầm lắng như giai đoạn trước. Còn theo dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thanh khoản bất động sản duy trì ở mức thấp trong nửa đầu năm, bắt đầu chuyển hướng tăng bật trở lại vào giai đoạn nửa cuối năm 2023.
Bước sang 2024, chuyên gia dự báo thị trường bất động sản sẽ có nhiều gam màu sáng hơn khi các chính sách điều hành thị trường địa ốc kịp thời, sát với thực tế là “động lực” để bất động sản có động lực để xoay chiều.
Sau những động thái tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cũng như các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy của Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương, các chuyên gia đánh giá thị trường bất động sản trong năm 2024 sẽ từng bước có sự phục hồi theo hướng tích cực và bền vững hơn.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và mức phục hồi không đồng đều trên các phân khúc, nhưng thị trường bất động sản Việt Nam đã vượt qua giai đoạn “bĩ cực” nhất, đang và sẽ ghi nhận những động thái tích cực nhiều hơn tiêu cực cả về tổng cung và tổng cầu, cả đầu vào và đầu ra.
Theo đó, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ sôi động hơn nhờ gia tăng hoạt động của khu vực FDI và triển khai các dự án hạ tầng trên cả nước. Phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội khả năng cũng sẽ chuyển biến tích cực và ghi nhận nguồn cung mới tăng do các chủ đầu tư nhận thức được việc tự điều hướng cơ cấu sản phẩm để phát triển phù hợp với dòng chảy của thị trường. Tuy nhiên, với phân khúc nhà ở thương mại cao cấp, khả năng sẽ hồi sức chậm hơn do nhu cầu thực chưa thể đột biến. Dự kiến năm 2024 sẽ không có nhiều chủ đầu tư dám phát triển dòng sản phẩm này.
Với phân khúc đất nền, do quy định mới về siết chặt hoạt động phân lô bán nền tại Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và thanh khoản xuống thấp suốt năm 2023 nên phân khúc này cũng cần nhiều thời gian hơn trong việc hồi phục. Dự báo khoảng cuối năm 2024, đất nền mới có thể đảo chiều. Các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính chưa nên tham gia phân khúc đất nền ở thời điểm hiện tại cũng như giai đoạn đầu năm 2024. Còn đối với những nhà đầu tư lớn, có dòng tiền khỏe thì thời gian gần đây họ đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội.
Phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trong ngắn hạn tiếp tục chững lại và cần có thời gian để hấp thụ hết những nguồn cung đã tung ra thị trường thời điểm trước đây. Nguồn cung hiện hữu khá dồi dào sẽ ảnh hưởng đến lợi suất cho thuê của người mua nên họ cẩn trọng hơn.