Nhiều nhà cung cấp phụ tùng ô tô, vốn đã chịu chi phí đội vì lạm phát và giá cả năng lượng tăng phi mã, cho biết họ hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải gánh thêm chi phí phát sinh trong quá trình chế tạo phụ tùng có thể đáp ứng các mục tiêu môi trường của các nhà sản xuất.
Shane Kirrane, giám đốc thương mại của Autins Group cho biết nếu không chấp nhận gánh chi phí, công ty có thể sẽ không nhận được hợp đồng cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô lớn trong 5-6 năm tới. Autins có các nhà máy ở Anh, Thụy Điển và Đức, chuyên chế tạo các bộ phận cách âm, cách nhiệt cho ô tô.
Tất cả các hãng xe lớn đều đã đưa ra các cam kết xanh, tìm cách thay thế những nguyên liệu "bẩn" trong chuỗi cung ứng để đáp ứng yêu cầu của các nhà quản lý và làm hài lòng các nhà đầu tư khi chuyển đổi sang các phương tiện chạy bằng điện (EV).
Ví dụ, BMW hy vọng tất cả các loại pin của hãng đều sử dụng năng lượng tái tạo, các nhà cung cấp nhôm, thép cho hãng cũng sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất phụ tùng. Trong khi đó, Volvo cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, nhựa tái chế chiếm 25% các kết cấu nhựa trong xe của hãng.
Nhiều nhà cung cấp vì vậy phải tăng đầu tư để "xanh hóa" hoạt động, như đầu tư dây chuyền sản xuất các bộ phận có thể tái chế, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.
Trong khi phải đầu tư nhiều hơn thì hầu hết các nhà cung cấp đều cho biết họ không thể tăng giá bán sản phẩm cho các nhà sản xuất xe lớn, vốn rất chú trọng tới vấn đề chi phí phát sinh khi bỏ ra hàng chục tỷ USD để tái đầu tư chuẩn bị cho kỷ nguyên phát thải thấp.
Theo ông Joe McCabe, Giám đốc điều hành (CEO) công ty nghiên cứu AutoForecast Solutions, đây không đơn giản chỉ là giai đoạn đứt gãy mà sẽ là tiền đề cho một cú chuyển mình lớn trong khoảng 5-10 năm tới trong chuỗi cung ứng cho ngành sản xuất ô tô. Các nhà cung cấp buộc phải phát triển những công nghệ mới để dùng trong các mẫu EV và đầu tư cho 1 chuỗi cung ứng bền vững hơn.
Trong khi đó, khách hàng của họ là các nhà sản xuất xe ô tô lại mong muốn có được giá tốt nhất để duy trì hợp đồng cung ứng mà không tìm đến đối thủ khác.
Ông Ralf Klaedtke, giám đốc kỹ thuật tại TE Connectivity-một liên doanh Mỹ- Thụy Sĩ chuyên cung cấp các giải pháp kết nối trong ô tô, cho biết quá trình xanh hóa này thực sự gây tốn kém kể cả với các nhà cung cấp lớn nhất.
Ví dụ, Sigit, nhà sản xuất phụ tùng nhựa và cao su có doanh thu hằng năm khoảng 200 triệu USD, đã phải chi gần 10 triệu USD cho một trung tâm nghiên cứu phát triển hợp chất nhựa tái sử dụng nhẹ hơn 90% so với bộ phận bằng kim loại từng được dùng trước đó.
CEO Emanuele Buscaglione cho biết các vấn đề trong chuỗi cung ứng bắt đầu xuất hiện trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành, cộng với tình trạng chi phí tăng cao, đã bào mòn toàn bộ lợi nhuận dự tính, "gây ra một cơn bão hoàn hảo" quét qua ngành cung ứng vật liệu sản xuất ô tô.
Gánh nặng này còn lớn hơn nhiều đối với các nhà cung ứng nhỏ lẻ. Những khó khăn trong quá trình "xanh hóa" hoạt động khiến các nhà cung ứng này gần như không còn cơ hội cạnh tranh khi các nhà sản xuất ô tô chỉ lựa chọn làm việc với những nhà cung cấp đáp ứng các yêu cầu sản xuất bền vững. Những nhà cung cấp không đáp ứng được các yêu cầu về xanh hóa sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.