Nỗi niềm hướng dẫn viên du lịch

Hướng dẫn viên du lịch là một trong những nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Đến nay, khi du lịch đang trên đà phục hồi, họ lại phải đối mặt với nhiều nỗi lo sau đại dịch.

Bấp bênh với nghề

Hơn hai năm qua, ngành Du lịch bị “đắm” trong cơn đại dịch Covid-19. Đến nay, các hoạt động du lịch dù đã có những tín hiệu hồi phục, nhưng để trở lại như xưa vẫn còn là hành trình dài.

Mong muốn được tồn tại với nghề, anh Huỳnh Thanh Duy (hướng dẫn viên du lịch tự do, Đà Nẵng) không ít lần phải nhắc nhở bản thân cố gắng vượt qua những khó khăn trước mắt.

Là hướng dẫn viên du lịch tự do, không có lương cố định, nguồn thu nhập dựa hoàn toàn vào các tour hợp đồng với công ty. Vì vậy, thời điểm dịch, nhiều tháng liền anh Duy không có thu nhập, phải xoay xở đủ nghề để có chi phí trang trải cuộc sống.

“Hơn 10 năm trong nghề, có lẽ thời điểm dịch bệnh là lúc tôi thấy bất lực nhất. Khoảng thời gian đó, những hướng dẫn viên như chúng tôi dù vẫn rất yêu nghề, tha thiết muốn được trở lại với công việc, nhưng đành bất lực vì dịch bệnh diễn biến quá phức tạp. Đời sống của hướng dẫn viên cũng hết sức bấp bênh. Tôi đã phải chạy Grab, bán hàng online,… để có chi phí cho cuộc sống. Đến nay, tôi trở lại công việc, nhưng một số anh em khác chán nản đã bỏ nghề. Những ai đến giờ vẫn còn đang chập chững hoặc đang thăm dò để vào nghề thì nản chí...”, anh Duy tâm sự.

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh bước đầu được kiểm soát, hoạt động du lịch từng bước nhộn nhịp trở lại. Song, nhộn nhịp chưa được bao lâu thì những ảnh hưởng của xăng tăng giá lại cản trở đà phục hồi du lịch.

“Du lịch là ngành nhạy cảm với mọi biến động của xã hội. Cả xã hội phải ổn định, người dân phải “rủng rỉnh” tiền bạc, thời gian dư dả... khi đấy người ta mới đi du lịch. Nhưng giá xăng tăng, mọi chi phí ăn uống, đi lại cũng tăng theo khiến đà phục hồi càng chậm”, anh Duy chia sẻ.

Dù hiện nay đang là mùa du lịch, thế nhưng số tour anh Duy được nhận mỗi tháng còn rất thưa thớt. Thời gian này, anh Duy cố gắng tìm tòi, học hỏi thêm ngôn ngữ mới để thử sức ở thị trường khách du lịch nước ngoài.

“Tôi đang học thêm tiếng Thái để tăng cơ hội cho bản thân. Nếu thuận lợi, tôi có thể nhận những đoàn khách nước ngoài. Hy vọng thời gian sắp đến khi du lịch quốc tế được kết nối lại sẽ có những chuyển biến tốt hơn”, anh Duy bày tỏ.

Quảng cáo
311c67efffd85cd76fcb3819396a552d-9529.jpg

Anh Huỳnh Thanh Duy (đội mũ) cùng đồng nghiệp trong một chuyến du lịch. Ảnh: NVCC.

Nỗi lo bị hành hung

Bên cạnh lo lắng vì công việc bấp bênh, anh Duy cũng không yên tâm khi phải đối mặt với những nguy hiểm, sự cạnh tranh của nghề sau dịch bệnh.

Câu chuyện cách đây không lâu về việc một hướng dẫn viên du lịch tại Đà Nẵng bị đánh hội đồng khiến anh Duy không khỏi lo sợ. Theo đó, tối 31/5, nam hướng dẫn viên du lịch của Công ty Truyền thông và Du lịch Đà Nẵng (DaNang Travel Media) đưa đoàn khách về đến khách sạn thì bị một nhóm người hành hung.

Hướng dẫn viên này bị một người kẹp cổ tại vỉa hè trước khách sạn và bị nhóm người áp tải băng qua đường Võ Nguyên Giáp (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) về phía bờ biển đánh đập. Sự việc bị đánh hội đồng xảy ra ngay trước mắt các du khách, nhiều người đã ghi lại clip và đưa lên mạng xã hội. Nhóm người đánh hội đồng sau đó được xác định cũng làm nghề hướng dẫn viên. Nguyên nhân ban đầu là do xích mích với nhóm hướng dẫn khác trong quá trình dẫn đoàn.

“Du lịch vẫn chưa ổn định nên cạnh tranh trong nghề là rất lớn. Những cuộc va chạm, hành hung hội đồng để tranh giành phục vụ khách sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của nhiều người làm nghề. Đặc biệt là những hướng dẫn viên du lịch tự do như chúng tôi”, anh Duy tâm sự.

Để đảm bảo an toàn cho bản thân, anh Duy hạn chế những tranh cãi không cần thiết trong quá trình dẫn tour. Anh cũng xây dựng mối quan hệ hòa đồng với bạn bè trong nghề để hỗ trợ, giúp đỡ nhau.

“Chúng tôi mới trở lại công việc nên mong muốn lớn nhất vẫn là yên ổn để được đi làm, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tôi cũng mong các hiệp hội của ngành sẽ có những hành động răn đe để đảm bảo an toàn cho hướng dẫn viên”, anh Duy chia sẻ.

Theo ông Võ Văn Anh, Chủ tịch Hội hướng dẫn viên du lịch TP. Đà Nẵng, những người tham gia vụ việc đánh hướng dẫn viên du lịch kể trên đã bị lực lượng chức năng xử lý và cam kết không tái phạm.

“Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn cho hướng dẫn viên du lịch trong quá trình làm việc. Những hành vi xấu đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của ngành Du lịch địa phương. Các hướng dẫn viên cần phải có ứng xử văn hóa hơn trong làm nghề”, ông Anh nói.

Theo Lao động Công đoàn Sao chép

Cùng chuyên mục Việc làm

Nghịch lý thị trường việc làm tại Mỹ hậu đại dịch

Tình trạng cắt giảm việc làm vẫn tiếp tục tại một số tập đoàn lớn nhất của Mỹ, nhưng số khác vẫn đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, do những tác động của đại dịch.

ChatGPT sẽ trở thành đối thủ hay trợ thủ đắc lực của người lao động? Các hãng công nghệ lớn đối mặt với quy định khắt khe hơn của EU "Đại nghỉ việc" trong kỷ nguyên hậu COVID-19