Nhóm các nước sản xuất dầu quyền lực nhất thế giới nhiều khả năng sẽ đưa ra thêm nhiều biện pháp cứng rắn nhằm ngăn sự suy giảm của giá dầu và cố gắng cân bằng thị trường, theo nhận định của Goldman Sachs.
OPEC và các nước ngoài OPEC, nhóm liên minh quyền lực được biết đến với cái tên OPEC+, sẽ có cuộc họp tại Vienna vào ngày 4/12/2022 để quyết định về giai đoạn tiếp theo của chính sách sản xuất.
Quan điểm về chính sách sản lượng này của OPEC được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu dầu tại Trung Quốc suy yếu do các biện pháp phong tỏa để ngừa COVID-19, ngoài ra, các thành viên thị tường đánh giá tác động của biện pháp áp trần giá dầu của phương Tây lên dầu Nga.
Trưởng bộ phân kinh doanh hàng hóa tại Goldman Sachs, ông Jeff Currie, vào ngày thứ Ba nói rằng có nhiều yếu tố khiến cho tổ chức này phải hạ dự báo giá dầu trong những tháng gần đây.
“Trước tiên và trên hết, đó là đồng USD. Lạm phát sẽ diễn biến đến mức độ nào? Quá nhiều tiền cho quá ít hàng hóa”, ông Currie nói với CNBC.
Yếu tố thứ 2 chính là COVID-19 và Trung Quốc và nhìn theo cách này, ảnh hưởng rất lớn. Tác động từ hai yếu tố kể trên thậm chí còn lớn hơn quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC. Cũng theo ông Currie, yếu tố thứ ba là Nga, liệu Nga có bán thêm dầu ra thị trường trước thời hạn chót 5/12/2022 hay không?
Ông Currie dự báo triển vọng giá dầu trong trung hạn của năm 2023 rất tích cực và rắng ngân hàng vẫn tin rằng giá dầu có thể chạm ngưỡng 110USD?thùng vào năm sau. Ông thừa nhận rằng hiện đang có quá nhiều yếu tố bất ổn trước mắt.
Giá dầu đã giảm trong những tháng gần đây. Giá dầu Brent trên thị trường London, sau khi đứng ở mức 100USD/thùng vào cuối tháng 8/2022, giao dịch ở mức 85,46USD/thùng vào chiều ngày thứ Ba.
Ông Currie nhận định: “Tôi nghĩ yếu tố chủ chốt với Trung Quốc hiện nay chính là rủi ro Trung Quốc mở cửa một cách bất đắc dĩ trở lại. Các biện pháp phong tỏa sẽ có hình thức mới, và bản thân thói quen của con người cũng thay đổi. Nhiều người không muốn đi tàu, không muốn đi làm và vì vậy nhu cầu cũng không thể tăng được”.
Bà Currie nói rằng các nước OPEC sẽ cần phải bàn thảo xem liệu có cần phải tính toán nhiều hơn đến ảnh hưởng của việc suy giảm nhu cầu của Trung Quốc.
Vào đầu tháng 10/2022, OPEC+ đã đồng ý giảm sản lượng ước tính khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày từ tháng 11/2022. Quyết định này được đưa ra dù rằng Mỹ đã kêu gọi OPEC+ bơm thêm dầu để hỗ trợ cho kinh tế toàn cầu.
Đầu năm 2020, dẫn đầu bởi Saudi Arabia và Nga, OPEC+ đã giảm sản lượng ước tính khoảng 10 triệu thùng dầu/ngày bởi nhu cầu suy giảm do đại dịch COVID-19. Nhóm các liên minh sản xuất dầu này từ đó đến nay đã tăng dần sản lượng. Tuy nhiên một số nước thành viên trong nhóm gặp khó trong việc tăng sản lượng đủ hạn mức đã cam kết.
OPEC+ gần đây đã phát đi thông điệp sẽ có thể cắt giảm sản lượng sâu hơn nhằm hỗ trợ cho giá dầu.