Kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chững lại khi mà những ngày cuối cùng của một năm 2022 đầy biến động dần đến, tuy nhiên các chuyên gia kinh tế vẫn tin rằng kinh tế toàn cầu sẽ không rơi vào suy thoái dù rằng một số nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ đương đầu với tình trạng này, theo nhận định mới đây được Wall Street Journal đăng tải.
Kết quả khảo sát doanh nghiệp công bố vào ngày thứ Tư cho thấy sự suy giảm về sản lượng kinh tế tại khắp các nền kinh tế lớn nhất châu Âu, thực tế này củng cố cho kỳ vọng rằng giá năng lượng cao nhiều khả năng sẽ đẩy các nền kinh tế vào tình trạng suy giảm trong quý cuối cùng của năm nay và quý đầu năm sau.
Một số chuyên gia kinh tế tin rằng có khả năng kinh tế Mỹ sẽ có hai quý suy giảm liên tiếp trong nửa đầu năm sau do chịu ảnh hưởng từ các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed, dù rằng khả năng này chưa chắc chắn.
Tuy nhiên khi mà khởi đầu kinh tế nhiều nước giàu nhất thế giới dự kiến sẽ yếu đi, nhiều chuyên gia kinh tế đang thận trọng với khả năng kinh tế toàn cầu suy thoái, vốn được định nghĩa là tăng trưởng sản lượng kinh tế toàn cầu hiện ở mức khoảng 1%.
Nếu nhìn từ góc độ thực tế, điều này đồng nghĩa với sự xấu đi của điều kiện kinh tế nhiều nước mà các doanh nghiệp và người tiêu dùng đã trải qua trong năm nay. Tuy nhiên, mức độ sụt giảm này không tồi tệ như lo sợ vài tháng trước đây và mức độ sụt giảm có thể lập đáy trong năm nay.
“Dù rằng chúng ta không chính thức dự báo về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu nhìn từ góc độ kỹ thuật, dường như suy thoái sẽ xảy ra với phần lớn kinh tế toàn cầu”, trưởng bộ phận kinh tế toàn cầu tại BNP Paribas – ông Marcelo Carvalho phân tích.
Dù kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phục hồi sau tuần suy giảm tệ hại vào năm 2022, nhiều chuyên gia dự báo sản lượng kinh tế toàn cầu tăng khoảng 2% trong năm sau, nó cho thấy mức suy giảm đáng kể so với năm nay và thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng 3,3% trong khoảng thời gian 1 thập kỷ tính đến trước khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, tuy nhiên sản lượng kinh tế bình quân đầu người sẽ vẫn tăng.
Các nền kinh tế châu Âu trong những tháng tới sẽ đương đầu với thách thức lớn nhất nhiều tháng trong thời gian tới sau khi Moscow đe dọa sẽ chặn nguồn cung khí đốt sang châu Âu nhằm làm yếu đi sự ủng hộ của phương Tây với Kyiv. Doanh nghiệp khí đốt hàng đầu của Nga Gazprom vào ngày thứ Ba đã đe dọa sẽ dừng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu thông qua Ukraine từ tuần tới, như vậy thị trường năng lượng không khỏi đặt câu hỏi về sự tồn tại của một trong những tuyến đường khí đốt từ Nga sang châu Âu.
Chi phí kinh tế từ việc giá năng lượng ngày một cao đã được thể hiện rõ trong khảo sát sức mua của các doanh nghiệp châu Âu. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tháng 11/2022 tiếp tục suy giảm. S&P Global cho biết chỉ số sản lượng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu, trong đó có bao gồm dịch vụ và sản xuất tăng lên mức 47,8 điểm trong tháng 11/2022 từ mức 47,3 điểm trong tháng 10/2022, ngưỡng này vẫn thấp hơn con số 50 phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.
“Khả năng kinh tế suy thoái hoàn toàn có thể xảy ra dù rằng số liệu mới nhất khiến nhiều người hy vọng rằng mức độ đi xuống của kinh tế có thể không tệ hại như lo sợ trước đây”, chuyên gia kinh tế trưởng tại S&P Global phân tích.
Trong ngắn hạn, châu Âu nhiều khả năng sẽ tránh được kịch bản tệ hại nhất mà các nhà hoạch định chính sách châu Âu từng lo sợ, hiện tại, họ đang phải chuẩn bị cho kịch bản nhu cầu năng lượng tăng vọt trong những tháng mùa đông. Một tháng 10 không quá lạnh và mức độ tiêu thụ khí đốt cao sẽ khiến cho các nhà máy của châu Âu gặp khó trong việc thu xếp đủ nguồn năng lượng.
Chính phủ các nước châu Âu đã hành động rất nhanh chóng để hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp đương đầu với chi phí năng lượng cao, điều này đã giúp cho niềm tin người tiêu dùng hồi phục từ mức đáy của tháng 9/2022. Và khi mà giá khí đốt đã giảm đáng kể từ mức cao vào tháng 8/2022, nhiều doanh nghiệp đã giảm sản lượng, trong đó nổi bật nhất phải kể đến công ty Yara International ASA.