Nhiều thành viên đạt lợi nhuận kỷ lục
Bước sang trung tuần tháng 1, một số ngân hàng bắt đầu công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với những con số khá khả quan, dù nền kinh tế vẫn đang phải vật lộn với vô vàn khó khăn sau đại dịch cùng những thách thức lớn từ bên ngoài.
Tại Hội nghị tổng kết công tác Đảng, hoạt động kinh doanh năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 tổ chức mới đây, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) VietinBank cho biết, kết thúc năm 2022, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng ước đạt 20,5 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước và vượt khoảng 5,4% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tại BIDV, lãnh đạo ngân hàng cho biết, kết thúc năm 2022, các chỉ tiêu kinh doanh của ngân hàng đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Đại hội đồng cổ đông giao.
Cụ thể, tổng tài sản đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 21% so với năm 2021 và là ngân hàng thương mại đầu tiên của Việt Nam vượt mốc này. Với con số này, BIDV tiếp tục là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.
Đến cuối năm 2022, tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 21,1% so với đầu năm; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,62 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với đầu năm và chiếm gần 13,6% thị phần tiền gửi toàn ngành ngân hàng.
Trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,65% so với đầu năm, cao hơn mức thực hiện năm 2021 (11,8%), đảm bảo giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao (12,7%), đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng (chiếm khoảng 12,5%).
Kết thúc năm 2022, lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại đạt 22.560 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ đồng, tăng tới gần 72% so với kết quả đạt được năm 2021. Với kết quả này, ngân hàng đã hoàn thành vượt 12,6% kế hoạch lợi nhuận đề ra từ đầu năm (20.600 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu sinh lời, chỉ tiêu an toàn hoạt động của hệ thống được đảm bảo với ROA đạt 0,95%; ROE đạt 20,2%, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra; Hệ số an toàn vốn (CAR) đạt 8,76%, đảm bảo tuân thủ quy định tại Thông tư 41/2016/ TT-NHNN.
Một “ông lớn” quốc doanh khác là Vietcombank cũng đã công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng đã tăng 39% so với năm liền trước, tương đương 36.775 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng.
Với kết quả trên, dự kiến Vietcombank tiếp tục dẫn đầu hệ thống về con số lợi nhuận đạt được trong năm qua.
Trong khi đó tại nhóm ngân hàng cổ phần, TPBank luôn là thành viên đầu tiên cập nhật tình hình hoạt động các quý và năm sớm nhất đến cổ đông và nhà đầu tư. Năm 2022, ngân hàng tiếp tục đánh dấu kỷ lục mới về lợi nhuận với tăng trưởng khá cao.
Tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong năm nay đạt trên 15.600 tỷ đồng, tăng hơn 15,5% so với năm 2021. Trong đó, lãi thuần từ dịch vụ đạt khoảng 2.700 tỷ đồng, tăng gần 75% so với cùng kỳ.
Kết thúc năm, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 7.828 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với năm 2021.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết, mức lợi nhuận này một phần đến từ việc gia tăng dịch vụ bảo lãnh và tài trợ thương mại để tăng thu nhập từ phí. Ngoài ra, sự phục hồi tích cực của các khách hàng được giãn nợ trong thời kỳ dịch bệnh cũng góp phần gia tăng nguồn thu của ngân hàng. Trích lập dự phòng rủi ro cũng thấp hơn các năm trước.
Trên thực tế không chỉ các nhà băng trên mà có không ít thành viên đã sớm cán đích lợi nhuận chỉ sau 3 quý đầu năm nên dự báo vượt xa chỉ tiêu đưa ra cho cả năm 2022 như Eximbank, Saigonbank hay LienVietPostBank.
Sở dĩ lợi nhuận 2022 của nhiều nhà băng vượt chỉ tiêu đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang bị tổn thương nặng nề sau đại dịch là nhờ tín dụng hồi phục và tăng trưởng mạnh ngay từ đầu năm.
Bên cạnh đó, chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, phát triển dịch vụ công nghệ số, đáp ứng tốt các nhu cầu không tiếp xúc của khách hàng trong giai đoạn dịch bệnh cũng là yếu tố quan trọng giúp lợi nhuận ngân hàng bứt phá trong giai đoạn khó khăn vừa qua.
Và một điểm dễ thấy là thu nhập ngoài lãi, thu dịch vụ tăng trưởng cao tại một số ngân hàng thương mại đã công bố kết quả. Bên cạnh phí dịch vụ, hoa hồng bảo hiểm..., kinh doanh ngoại tệ cũng là cấu phần đóng góp lớn khi chênh lệch tỷ giá mua vào - bán ra được nới rộng gấp đôi so với các giai đoạn trước đây và tạo nguồn thu lớn.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục tăng cao tại nhiều thành viên
Lợi nhuận khả quan là yếu tố quan trọng giúp các nhà băng tăng tốc trích lập dự phòng, gia tăng bộ đệm để có thể chống đỡ tốt hơn với các cú sốc lớn, tăng năng lực xử lý nợ xấu.
Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, thông qua các giải pháp quản trị rủi ro, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng năm qua tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, 1,2%.
Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đến cuối năm 2022 đã được nâng lên xấp xỉ 190%, thay vì mức 171% cuối năm 2022. Thu hồi nợ xử lý rủi ro tích cực với kết quả thu hồi nợ gốc lãi xử lý rủi ro tăng hơn 60% so với số thu năm 2021.
Tương tự, tại Vietcombank, lãnh đạo ngân hàng cho biết, chất lượng tín dụng tiếp tục được kiểm soát tốt với tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,67% khi kết thúc năm 2022 trong khi tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng vẫn đang ở mức cao nhất hệ thống, đạt gần 465%.
Còn tại BIDV, sau giai đoạn tập trung tái cơ cấu, nợ xấu của ngân hàng giờ đây đã giảm đáng kể trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN của ngân hàng kiểm soát ở mức 0,9%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 245%, mức cao nhất trong các năm gần đây.
Những trường hợp trên cho thấy tỷ lệ bao nợ xấu tiếp tục có xu hướng tăng mạnh, có những kỷ lục cục bộ tại mỗi thành viên cụ thể. Tới đây, khi MB, Techcombank hay ACB công bố, dự kiến cũng sẽ tiếp tục có thể các tỷ lệ cao.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, đây không phải là kết quả chung của toàn hệ thống. Những con số cụ thể hơn sẽ được cập nhật khi các thành viên lần lượt công bố báo cáo tài chính trong vài ngày tới.
Sự chênh lệch về tỷ lệ này giữa các nhà băng phản ánh các khẩu vị khác nhau, mức độ chiết xuất lợi nhuận khác nhau trong ứng xử với nợ xấu.
Bởi, cơ chế hiện hành chỉ riêng với nợ được cơ cấu mà không phải chuyển nhóm để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, có ngân hàng đã thực hiện trích lập luôn toàn bộ, có trường hợp rải ra theo 3 năm như cơ chế cho phép.
Ngoài ra, theo quy định, các ngân hàng phải thực hiện trích lập dự phòng chung 0,75% cho tất cả nợ nhóm 1 đến nhóm 4, trong khi quy mô dư nợ ở đây tại nhiều thành viên đã rất cao, "Big 4" từ 1,3 triệu đến khoảng 1,8 triệu tỷ đồng.
Những đặc điểm trên góp phần lý giải vì sao nợ xấu chỉ có 1 đồng nhưng ngân hàng trích dự phòng tới 2-4 đồng và rất khác biệt giữa các thành viên.