Định vị thị trường
Một số chỉ số chứng khoán châu Á khép lại phiên cuối tuần với biên độ trên 1% như KOSPI (+1,23%), NIFTY 50 (+1,63%) trong khi NIKKEI 225 (-0,05%), TWSE (-0,2%), SZI (-0,9%) giảm điểm nhẹ.
Thực tế, nếu như VN-Index cũng có được biên độ trên 1% chỉ số đã hoàn toàn có thể đóng cửa trên mốc 1.300 điểm. Tuy nhiên, trạng thái lình xình vẫn chưa chấm dứt khi có thời điểm chỉ số rướn lên 1.293 điểm và lại thu hẹp bớt thành quả tăng trong quãng thời gian cuối phiên.
Chất xúc tác
Theo thống kê từ Refinitiv Eikon, lãi suất liên ngân hàng đang có dấu hiệu nhích lên dần trong các phiên gần đây. Kỳ hạn qua đêm đã tăng 0,02% lên 4,1% trong khi kỳ hạn 1 tuần lên 4,38%.
Trong khi đó, tỷ giá tự do vẫn có sự điều chỉnh nhẹ xuống dưới 25.700 VND/USD ở chiều bán ra. Còn với giá vàng những động thái bình ổn của Ngân hàng Nhà nước vẫn phát huy hiệu quả giúp vàng miếng SJC về dưới 77 triệu đồng/lượng bất chấp giá vàng thế giới đang trở lại áp sát mốc 2.400 USD/oz.
Dòng tiền giao dịch trên thị trường chứng khoán vẫn chưa thực sự ổn định để tạo đà tăng chinh phục mốc 1.300 điểm của VN-Index. Khớp lệnh của HOSE giảm gần 25% so với phiên hôm qua, tiếp tục ở dưới mức bình quân 20 phiên.
Cùng với đó, nhà đầu tư ngoại cũng tiếp tục bán ròng trên HOSE với giá trị rút ra gần 477 tỷ đồng. Các mã STB (-77 tỷ đồng), HPG (-70,4 tỷ đồng), GMD (-65 tỷ đồng), VPB (-51,7 tỷ đồng) đứng đầu ở chiều bán ra nhưng đều có quy mô dưới 100 tỷ đồng.
Vận động thị trường
Kịch bản tăng điểm trong phiên và thu hẹp thành quả về cuối phiên đã xuất hiện liên tục trong tuần này và cũng chưa thay đổi trong phiên cuối tuần. VN-Index chỉ rướn lên 1.293 điểm và sau đó lại bị ghìm lại, đóng cửa chỉ tăng 4,02 điểm lên 1.287,58 điểm (+0,31%). Tổng giá trị giao dịch của sàn đạt 17.848 tỷ đồng, tương đương 698 triệu đơn vị.
Nhóm VN30 có SAB (+3,7%), POW (+3%), TCB (+2,3%), FPT (+1,7%), ACB (+1%) thúc đẩy tăng điểm nhưng VRE (-1,3%), PLX (-1%) triệt tiêu bớt biên độ tăng. Nếu như nhóm VN30 có sự đồng thuận mạnh mẽ hơn, VN-Index hoàn toàn có thể ghi nhận mức tăng trên 1% đủ giúp cho chỉ số chinh phục mốc 1.300 điểm.
Tuy nhiên, sự chưa sẵn sàng của nhóm cổ phiếu lớn cùng dòng tiền chung đã khiến cho kỳ vọng chưa được đáp ứng. Vận động của các cổ phiếu Midcap và Penny vẫn bị chi phối theo dù có một số mã đã tạo ra sự khác biệt như TCH (+3,09%), HAH (+3,75%), VSC (+2,25%), VTO (+6,94%), CSV (+3,36%), HNG (+6,85%)…
Phần lớn các cổ phiếu vẫn mang tâm lý chờ đợi nên biên độ giao dịch còn khá hẹp như TCM (+0,18%), DGC (+0,74%), VIX (-0,26%), EVF (-0,63%), SZC (-0,24%), PVD (-0,31%), PDR (-0,58%), PNJ (-0,42%), DPG (+0,69%)… Độ rộng của HOSE đạt 47% mã tăng so với 35,5% mã giảm.
Trên HNX và UPCoM, giao dịch tích cực hơn khi có nhiều mã tăng trên 3% như DHT (+6,7%), DXP (+4,5%), HLD (+3,5%), LAS (+3,1%), NVB (+3,1%), VLC (+13,7%), MCM (+4,1%). HNX-Index tăng lần lượt 0,33% còn UPCoM-Index tăng 0,55%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.900 tỷ đồng.