"Nhà đầu tư hãy là chú báo rình mồi trong năm 2023"

Sau khi kết thúc một con sóng lớn, thị trường chứng khoán vẫn sẽ còn nhiều thử thách trong năm 2023. Tuy nhiên, thách thức và cơ hội vẫn luôn đồng hành...

Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC, nhà đầu tư hãy như một chú báo rình mồi, chỉ nên chớp những cơ hội thực sự hấp dẫn.

Thị trường đã kết thúc một cơn sóng lớn trong năm 2022, với kinh nghiệm tham gia thị trường, ông cảm nhận thế nào về năm 2022? So sánh với những đợt sóng cũ của thị trường, đâu là những sự khác biệt?

Có thể nói năm 2022 là một năm tuy nhiều đau thương nhưng rất đặc biệt, khác biệt và nhiều điều đáng nhớ đối với chứng khoán. Trong giai đoạn hậu COVID-19 có thể nói là giai đoạn với sự tham gia chưa từng có của nhà đầu tư cá nhân (còn gọi là nhà đầu tư F0) với số lượng tài khoản mở mới lập kỷ lục.

Cùng với đó là việc khối lượng giao dịch, thanh khoản bùng nổ kỷ lục. Có những phiên khớp lệnh của 3 sàn quanh 2 tỷ đô. Điều đó cũng dẫn đến việc 2022 có thể chưa phải là năm rơi kinh hoàng nhất (so với khủng khoảng 2007-2009) nhưng tính sát thương trên diện rộng và quy mô rõ ràng là lớn hơn rất nhiều. Có lẽ chưa bao giờ mà số lượng người chơi bị thua lỗ lớn đến như thế và mức độ bốc hơi vốn hóa kinh hoàng đến như vậy. Với mức rơi gần 33% của VN-Index, thị trường chứng khoán Việt Nam bốc hơi, xấp xỉ 2 triệu tỷ trong năm 2022.

Một năm mà vĩ mô chỉ giải thích được một phần cho đà rơi của thị trường. Một phần cũng vô cùng quan trọng giải thích đà rơi đó là trạng thái thiếu hụt thanh khoản cùng cực do áp lực liên thị trường từ bên ngoài, áp lực tỷ giá, áp lực tăng lãi suất, áp lực từ siết thị trường trái phiếu, áp lực hết room tín dụng và để rồi cuối cùng là áp lực margin call, call margin chéo. Tất cả những điều đó khiến thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 diễn biến tệ hơn các nước trong khu vực rất nhiều.

Một điểm nổi bật nữa đó là năm 2022 là năm xử lý rất nhiều vụ sai phạm trên thị trường chứng khoán. Điều này đã có những thời điểm ảnh hưởng rất mạnh đến tâm lý, nhưng là bước đi cần thiết nhằm lành mạnh hóa, giúp thị trường phát triển bền vững.

Ông và khách hàng đã thích nghi như thế nào với những biến động mạnh của thị trường chứng khoán trong giai đoạn cuối năm?

Có lẽ không phải chỉ có cá nhân tôi mà hầu như khách hàng nào cũng cần phải có những bước thích nghi cần thiết để thích nghi với diễn biến thị trường. Trước tiên là về phân bổ tài sản, chắc hẳn ai cũng cần hiểu cuối 2022 và có thể phần lớn năm 2023, việc phân bổ tỷ trọng lớn vào chứng khoán không được khuyến khích vì vẫn còn rất nhiều gập ghềnh phía trước.

Trong khó khăn, chỉ nên tham lam khi định giá về đến vùng thực sự hấp dẫn (như cú test 900 hồi tháng 11) và tình trạng quá bán xảy ra. Trong điều kiện bình thường, cần giữ kỳ vọng ở mức hợp lý, không bi quan nhưng cũng không thể lạc quan. Dư địa giảm có lẽ không quá nhiều khi 2022 gần như chúng ta đã đi xuống luôn cho một phần của 2023, nhưng cũng chưa lạc quan được vì chưa có câu chuyện lớn đủ để thuyết phục thị trường tăng mạnh.

Do đó 2023, ít nhất là nửa đầu năm, hãy như 1 chú báo rình mồi, chỉ nên chớp những cơ hội thực sự hấp dẫn, với xác suất thành công cao. Không tham gia bằng mọi giá. Một chú báo linh hoạt, không phải là Bull (thị trường lên) nhưng cũng không quá Bear (thị trường xuống).

Quảng cáo

Trong thời gian tới, nếu mua cổ phiếu, tôi nghĩ cần chọn doanh nghiệp có chất lượng. Cần chọn doanh nghiệp có dòng tiền và Bảng cân đối kế toán lành mạnh, hơn là chỉ tập trung vào triển vọng lợi nhuận.

Thanh khoản cuối năm 2022 cho đến trước Tết đang về mức rất thấp, theo ông tình trạng này có đáng ngại? Dòng tiền nội sẽ cần những điều kiện gì để khai thông trong khi đó tiền ngoại có thể duy trì trong năm tới?

Tôi vẫn luôn cho rằng thanh khoản quanh 10 ngàn tỷ khớp lệnh trên HOSE đã là điều đáng mơ ước. Do tính mùa vụ (cận tết Dương lịch/Âm lịch) thanh khoản thường xuống rất thấp, điều này đã từng diễn ra nhiều năm qua.

Đối với tiền nội, có lẽ khi thực sự có dấu hiệu đảo chiều trong chính sách tiền tệ/tài khóa theo hướng nới lỏng. Khi đó dòng tiền với kênh chứng khoán mới thực sự được cải thiện và kênh chứng khoán mới trở nên hấp dẫn.

Về mặt tiền ngoại, cá nhân tôi cho rằng chúng ta phải thừa nhận mức định giá thị trường đang rất hấp dẫn trong dài hạn. Do đó khối ngoại nhiều khả năng sẽ tiếp tục mua ròng. Điều quan trọng là cần duy trì môi trường đầu tư minh bạch, cải tiến các quy định giao dịch theo chuẩn quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi cho khối ngoại.

Ông đánh giá thế nào về triển vọng thị trường và các nhóm ngành trong năm 2023? Kế hoạch hành động của DSC trong năm tới?

Về nền kinh tế, tôi cho rằng 2023 sẽ là năm nhiều thử thách cho nền kinh tế nhưng không quá bi quan với thị trường. Về nhóm ngành, tôi xin phép chia ra làm 2 nửa khung thời gian, trước khi tạo đáy thực sự và sau khi tạo đáy. Trước khi tạo đáy, cần ưu tiên các nhóm ngành phỏng thủ, tuy nhiên mức định giá của các nhóm này cần được cân nhắc, các cổ phiếu phòng thủ mà đắt quá thì không nên tham gia.

Nửa sau của 2023 khi thị trường tạo đáy và vĩ mô dần cải thiện, nhóm ngành mang tính “tấn công” là mục tiêu để tham gia khi thị trường bắt đầu một chu kỳ mới. Tóm lại 2023 khả năng là năm chuyển pha của thị trường. Và chiến lược luân chuyển nhóm ngành cần linh hoạt.

Đối với DSC, chiến lược chung của ban điều hành với hoạt động Môi giới, cố gắng phát triển trong sự khó khăn, kiên nhẫn với thị trường và đội ngũ để cùng chờ ngày thị trường trở lại.

Với hoạt động cho vay ký quỹ, vẫn có sự thận trọng nhất định, đặc biệt là các cổ phiếu chu kỳ, bởi lẽ 2023 như đã nói sẽ vẫn là năm khó khăn với nền kinh tế.

Đối với tự doanh, khi những tin xấu xuất hiện và thị trường xuất hiện những đợt giảm mạnh, đó là cơ hội tich lũy tài sản định giá rẻ trong thời điểm chuyển pha. Khi đáy thị trường và nền kinh tế đi qua, sẽ là thời điểm các tài sản rẻ, chất lượng trở về đúng giá trị thực và là thời điểm gặt hái thành quả.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp Sao chép

Cùng chuyên mục Ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước ban hành một loạt quyết định về lãi suất tiền gửi

Nhằm đảm bảo tính thống nhất về căn cứ pháp lý với các Thông tư quy định về lãi suất tiền gửi, ngày 01/11/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành các Quyết định 2410/QĐ-NHNN và 2411/QĐ-NHNN quy định về lãi suất tiền gửi trong đó chỉnh sửa căn cứ pháp lý ban hành và không thay đổi các mức lãi suất tiền gửi.

Ngân hàng nào đang tối ưu chi phí hoạt động nhất? Nhân viên ngân hàng nào có thu nhập cao nhất?

Ngân hàng nào đang tối ưu chi phí hoạt động nhất?

CIR giảm có tác động từ hai chiều: chiều tiết giảm chi phí hoạt động và chiều doanh thu tăng trưởng cao hơn; hoặc ngân hàng vẫn gia tăng đầu tư với chi phí hoạt động tăng lên nhưng hiệu quả tạo doanh thu đạt được lớn hơn.

Nợ xấu ngân hàng tiếp tục tăng cao 9 tháng đầu năm Nhìn lại bộ đệm dự phòng và một cấu phần mức độ “của để dành” ngân hàng Việt 9 tháng đầu năm Căng thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 65.450 tỷ đồng tuần qua

SeABank nâng vốn điều lệ lên 28.350 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB) chính thức hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 28.350 tỷ đồng sau 2 đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

SeABank chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng Vinalines muốn bán hết cổ phiếu TJC, chồng bà Nguyễn Thị Nga hạ sở hữu tại SeABank