
Tỷ giá có thể diễn biến tích cực hơn, thay vì chịu áp lực bật tăng nhanh và mạnh như trong thời gian gần đây. (Ảnh minh họa)
Trong quý I/2025, mặt bằng tỷ giá ghi nhận sự bật tăng mạnh mẽ. Đến 31/3, tỷ giá trung tâm tăng 495 đồng và đạt 24.837 USD/VND, giá bán USD tại các ngân hàng thương mại cũng tăng đáng kê và đạt 25.740 (+189 điểm). Tại thị trường tự do, USD được bán ra ở ngưỡng 25.900, tương ứng với mức tăng khoảng 200 điểm.
Trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, các chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, trong bối cảnh các yếu tố bất định, và đặc biệt lo ngại về khả năng Việt Nam chịu mức thuế đối ứng cao, tỷ giá biến động nhiều hơn trong ngắn hạn.
“Các lo ngại về rủi ro thuế quan có thể khiến dòng vốn đầu tư đăng ký và giải ngân chậm lại. Ngoài ra, các hoạt động xuất khẩu (đặc biệt xuất khẩu tới thị trường Mỹ) có thể chậm lại và thậm chí chịu thiệt hại. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở thời điểm hiện tại khá hạn chế”, chuyên gia VCBS phân tích.

Dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, nhu cầu tiêu dùng nội địa tại Mỹ vẫn đang được quan sát; do đó, xu hướng chuyển dịch chuyển cung ứng sang các quốc gia ổn định về chính trị vẫn là xu hướng chính.
Sau một loạt động thái trả đũa căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, VCBS cho rằng hai bên có thể đàm phán và thương thảo nhằm đạt được các thỏa thuận trong thời gian tới. Tuy nhiên, các yếu tố bất định vẫn đang tồn tại, và chiến tranh thương mại chưa đi đến hồi kết thúc. Với bối cảnh như vậy, trong điều kiện Việt Nam vẫn chứng minh được nền tảng ổn định vững chắc, Việt Nam sẽ là điểm đến lý tưởng của dòng vốn đầu tư và các hoạt động sản xuấtkinh doanh. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường ngoại hối trong thời gian tới.
Theo đó, VCBS kỳ vọng thị trường ngoại hối và tỷ giá có thể diễn biến tích cực hơn, thay vì chịu áp lực bật tăng nhanh và mạnh như trong thời gian gần đây.
Lãi suất huy động giảm nhẹ
Trong quý I, lãi suất huy động giảm nhẹ khoảng 5-15 điểm cơ bản chủ yếu tại kỳ hạn dài trên 12 tháng. Xu hướng giảm được quan sát chủ yếu tại một số ngân hàng đã tăng lãi suất trước đó. Đồng thời, xu hướng này được quan sát sau cuộc họp khẩn với Ngân hàng Nhà nước. Đây được đánh giá là động thái mang tính quyết liệt, thể hiện sự đồng hành của hệ thống ngân hàng với mục tiêu ổn định kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, và người dân tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý hơn.
Trên thị trường mở, công cụ tín phiếu và mua kỳ hạn được linh hoạt sử dụng nhằm giảm bớt áp lực tỷ giá và vẫn đảm bảo thanh khoản hệ thống. Cụ thể, lãi suất tín phiếu được hạ xuống thấp hơn; trong khi mua kỳ hạn được đẩy dài kỳ hạn với thông điệp và định hướng thanh khoản dài hạn hơn.

VCBS cho rằng, chính sách tiền tệ có thể được điều hành theo chiều hướng đảm bảo các yếu tố ổn định vĩ mô và tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp. Trong khi đó, bên cạnh các động thái đàm phán đã và đang được thương thảo, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung và củng có nội lực tăng trưởng trong nước, được kể đến như đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, dịch vụ.
Theo đó, VCBS cho rằng, lãi suất huy động có thể ổn định trong thời gian tới trong khi lãi suất cho vay duy trì ở ngưỡng thấp, hỗ trợ các doanh nghiệp.