Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Chính sách tiền tệ sẽ được điều hành chủ động; chính sách tài khóa mở rộng hợp lý; điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với tình hình thị trường và mục tiêu đề ra.
Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để khoan thư sức dân, đẩy mạnh đầu tư sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ định hình các lĩnh vực kinh tế mới, hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật...
Theo Phó Thủ tướng, ngay trong tháng 6, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Trước đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng trong tháng 5 về gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường ô tô, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước, Chính phủ đã có 3 lần áp dụng chính sách giảm phí trước bạ 50%, lần gần nhất có hiệu lực từ 1/7 đến hết năm 2023.
Liên quan đến các chính sách hỗ trợ thị trường ô tô và các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, trong tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính có văn bản gửi Bộ Tư pháp thẩm định, đề xuất doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đến 20/11 năm nay.
Bộ Tài chính dự đoán trong năm 2024, thị trường ô tô và toàn nền kinh tế đối mặt với tác động tiêu cực do khủng hoảng kinh tế, xung đột địa chính trị. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ còn khó khăn, riêng sản xuất, lắp ráp ôtô gặp suy thoái kinh tế, khiến doanh số bán hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải giảm sản lượng.
"Nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp, sẽ không đủ duy trì sản lượng và doanh số bán hàng, tạo sức bật giúp thị trường tăng trưởng bền vững và đồng đều", Bộ Tài chính cho biết.
Do vậy, theo Bộ Tài chính, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước là cần thiết. Đồng thời, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 20/11 nên chính sách này không ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách nhà nước năm nay.
Như vậy, nếu đề xuất này được thông qua thì đây sẽ là lần thứ 5 trong 4 năm nay thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn. Năm ngoái chính sách này cũng được áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, với số thuế giãn nộp trên gần 8.100 tỷ đồng. Riêng 3 tháng đầu năm nay, số thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn gần 5.200 tỷ đồng.
Đầu năm 2024, Tập đoàn THACO kiến nghị Nhà nước tiếp tục hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất trong nước thêm một khoảng thời gian và gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo THACO, năm 2024, nếu không có chính sách kích cầu mua sắm, lượng hàng tồn kho dự báo sẽ tiếp tục tăng, làm phát sinh các chi phí như chi phí lưu kho, chi phí bảo quản xe thành phẩm, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng xe lưu kho, khiến doanh nghiệp khó có thể duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhận định về thị trường ô tô năm 2024, đại diện TC Group từng cho biết, khi các khủng hoảng toàn cầu dần qua đi kèm với những dấu hiệu tích cực của thị trường với các chính sách hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ sẽ là cơ sở để hoạt động sản xuất lắp ráp cũng như thị trường ô tô trong nước sẽ khởi sắc và tăng trưởng tốt.