Theo nguồn tin thương mại, thị trường sắn ngày 28/8/2024, giá mua cho các hợp đồng tinh bột sắn vụ cũ vẫn dao động quanh mức 3.500 – 3.550 CNY/tấn, hoặc có thể cao hơn cho một số sản phẩm cao cấp, tùy thuộc nhu cầu phía Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam (VICAAS), tỷ giá USD và CNY cùng giảm trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ và giá bán chưa có tín hiệu tích cực đã gây bất lợi cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn khi mùa vụ 2024 – 2025 đang đến gần.
Tính toán của các đơn vị xuất khẩu cho biết, với tiến độ xuất khẩu như thời gian qua, dự kiến tới đầu tháng 9, hàng tồn kho vụ 2023 – 2024 sẽ được tiêu thụ hết trước vụ sản xuất mới. Các nhà máy Việt Nam đang chào bán mức giá giữ nguyên so với tuần trước, trong khoảng 480 - 505 USD/tấn FOB cảng TP. Hồ Chí Minh.
Đối với mặt hàng sắn lát, các đơn vị kinh doanh cho biết, giá ngô và tinh bột ngô tại thị trường Trung Quốc giảm, tác động đến nhu cầu và giá sắn lát Việt Nam cũng như Thái Lan khi nhập khẩu vào Trung Quốc. Trong khi đó, giá ngô nhập khẩu vào Việt Nam đối với hàng giao tháng 9/2024 cũng giảm nhẹ, khiến giá mua sắn lát của các nhà máy thức ăn chăn nuôi nội địa giảm.
Báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu (XNK) – Bộ Công Thương cho biết, từ đầu tháng 8/2024 đến nay, một số nhà máy tinh bột sắn lớn tại miền Trung, Tây Nguyên hoạt động lại, giá thu mua nguyên liệu vụ mới dao động ở mức 2.900-3.100 đồng/kg. Tuy nhiên, giao dịch tinh bột sắn vẫn trầm lắng do nhu cầu mua mới từ Trung Quốc vẫn yếu.
Giá tinh bột sắn được các nhà máy Việt Nam chào bán ở mức 480-505 USD/tấn, FOB cảng TP. Hồ Chí Minh, giảm 10 USD/tấn so với cuối tháng trước. Giá tinh bột sắn xuất qua các cửa khẩu Lạng Sơn và Móng Cái cũng trong xu hướng giảm, dao động ở mức 3.520-3.640 CNY/tấn, giảm 60 CNY/tấn so với cuối tháng trước.
Giá ngô có xu hướng tăng nhẹ, nên giá thu mua sắn lát tại thị trường nội địa có dấu hiệu nhích lên. Tuy vẫn có nhu cầu hỏi mua sắn lát từ khách hàng Trung Quốc, nhưng mức giá chấp nhận mua thấp, giá xuất khẩu sắn lát thực tế sang Trung Quốc vẫn dao động ở mức dưới 250 USD/tấn, FOB. Giá xuất khẩu sắn lát sang Hàn Quốc dao động ở mức 300 USD/tấn, FOB tại Quy Nhơn, ổn định so với cuối tháng trước.
Tháng 7/2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tăng trở lại, sau nhiều tháng giảm liên tiếp. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2024, xuất khẩu được 218,53 ngàn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 105,67 triệu USD, tăng 54,7% về lượng và tăng 54,9% về trị giá so với tháng trước, so với tháng 7/2023 tăng 50,8% về lượng và tăng 47,2% về trị giá. Giá bình quân xuất khẩu đạt mức 483,6 USD/tấn, tăng 0,1% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 2,4% so với tháng 7/2023.
Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,6 triệu tấn, trị giá 735,95 triệu USD, giảm 2,5% về lượng, nhưng tăng 10,6% về trị giá so với cùng kỳ nhờ giá xuất khẩu tăng. Giá bình quân xuất khẩu đạt 458,6 USD/tấn, tăng 13,4% so với cùng kỳ.
Top 10 thị trường xuất khẩu chính các sản phẩm này, gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Pakistan, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản…
Trong 7 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu hơn 1,469 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam, trị giá 668,763 triệu USD, tương đương về lượng nhưng tăng 13,48% về kim ngạch so với cùng kỳ nhờ giá xuất khẩu tăng.
Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia, Nigeria là 5 thị trường chính cung cấp sắn lát cho Trung Quốc. Đáng chú ý, nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc từ Thái Lan, Việt Nam, Lào giảm mạnh, nhưng nhập khẩu từ Campuchia và Nigeria lại tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi đó, nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc tăng liên tục kể từ tháng 02/2024. Trung Quốc nhập khẩu tinh bột sắn chủ yếu từ Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Indonesia. Thái Lan là thị trường lớn nhất cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc là Việt Nam.
Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 36,27% trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của Trung Quốc, cao hơn so với mức 32,96% cùng kỳ năm ngoái. Tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt các sản phẩm cùng loại đến từ Thái Lan, Lào, Campuchia.