Tuần qua hoạt động ngân hàng ghi nhận sự can thiệp mạnh của Ngân hàng Nhà nước. Nhà điều hành đã trở lại phát hành tín phiếu, hút mạnh lượng tiền lớn về.
Hoạt động trên đã đảo chiều hướng bơm ròng trước đó từ đầu tháng 10, khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đột ngột tăng cao (lãi suất qua đêm lên tới 7-8%/năm), và ngay sau đó từ 10/10 có “sự kiện” gây bất lợi thanh khoản tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)…
Khi đó Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng bơm tiền ra hỗ trợ hệ thống qua thị trường mở, với quy mô lên tới quanh 100.000 tỷ đồng; số dư này tính đến ngày 20/10 vẫn còn lên tới 92.203,69 tỷ đồng do nguồn bơm ra có kỳ hạn khá dài, 14 và 28 ngày trước đó.
Song, tuần vừa qua, sau khi thanh khoản hệ thống đã ổn định trở lại, lãi suất VND qua đêm trên thị trường liên ngân hàng liên tục lao dốc (về gần 3%/năm và thấp hơn lãi suất USD), tỷ giá USD/VND biến động mạnh và Ngân hàng Nhà nước lập tức đảo chiều cấp tập hút bớt tiền về.
Thị trường ghi nhận Nhà điều hành liên tiếp có những phiên hút bớt tiền về lên tới 20.000 - 30.000 tỷ đồng. Tổng lượng tiền Ngân hàng Nhà nước hút bớt về qua kênh tin phiếu tính đến ngày 20/10 đã lên tới 109.998,7 và phiên 21/10 hút về tiếp 16.200 tỷ đồng.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước cấp tập hút bớt lượng tiền lớn nói trên, lãi suất VND đã tăng trở lại trên thị trường liên ngân hàng. Lãi suất VND qua đêm từ về sát 3%/năm trước đó bật trở lại quanh 4,6%/năm tính đến sáng 21/10.
Ngân hàng Nhà nước phải trở lại hút bớt lượng tiền lớn như trên để gián tiếp cân đối lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, bởi chênh lệch lãi suất VND với USD ở đây ảnh hưởng bất lợi đến tỷ giá nếu bị thu hẹp quá mức hoặc hoán đổi âm từng có trước đây.
Và thực tế, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng cũng liên tiếp tăng cao, cũng như giá USD trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại đến cuối tuần qua đã một lần nữa chạm trần biên độ.
Một diễn biến khác đáng chú ý và theo dõi thêm, những phiên gần đây doanh số giao dịch qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã giảm rất mạnh, chỉ còn khoảng 160.000 – 180.000 tỷ đồng/phiên thay vì quanh 250.000 tỷ đồng/phiên trước đó. Sự co hẹp này nếu tiếp tục thể hiện và tiếp tục suy giảm có thể liên hệ đến trạng thái phòng thủ thanh khoản của các ngân hàng thương mại, hoặc môi trường giao dịch vốn giữa các nhà băng đã không còn cởi mở và sôi động như trước “thời điểm ngày 10/10” vừa qua.
Doanh số giao dịch qua đêm được chú ý, bởi nó luôn luôn chiếm tỷ trọng tới quanh 95% tổng doanh số giao dịch hàng ngày trên thị trường liên ngân hàng.