Sau định hướng giảm lãi suất cho vay gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), một số ngân hàng thương mại (NHTM) có tín hiệu giảm dần hoặc đưa các gói có lãi suất cho vay khởi đầu khá thấp (như từ 7,5-10,5%/năm).
Tuy nhiên, diễn biến trên chưa mở rộng và các ngân hàng chủ yếu áp dụng với những khoản vay ngắn.
Lãi suất cho vay đã có phần “dễ chịu”
Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện tử, ông Lại Hoàng Dương - Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng cho biết, hiện đang là thời điểm đáy của giá nguyên vật liệu nên doanh nghiệp quyết định tiếp tục vay vốn của ngân hàng để mua hàng phục sản xuất.
Tuy vậy, ông Dương khá bất ngờ khi có thể tiếp cận được khoản vay với mức lãi suất 9%/năm với thủ tục nhanh chóng.
“Tôi vay vốn 2,7 tỷ đồng với lãi suất 9% từ Ngân hàng Á Châu (ACB) với kỳ hạn là 3 tháng. Trước đây, với mức lãi suất này để các NHTM duyệt là khá khó khăn và thời gian thẩm định kéo dài, nhưng nay là rất nhanh, giúp doanh nghiệp cho việc thanh toán cho đối tác rất nhanh chóng”, ông Dương cho biết.
Theo ông Dương, việc giảm lãi suất cho vay xuống 9% cũng sẽ giúp giá vốn của sản phẩm giảm, từ đó thúc đẩy tiêu thụ trong bối cảnh khó khăn lượng đơn hàng xuất khẩu và trong nước bị giảm sút.
“Trước đây, chúng tôi phải vay vốn với lãi suất ở mức 11-12%/năm khiến giá của sản phẩm cao, trong khi lượng đơn hàng giảm xuống 20-30%. Việc lãi suất giảm sẽ giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí sản xuất và bán được nhiều hàng hơn”, ông Dương nói.
Mới đây một số NHTM cũng đã rục rịch giảm lãi suất cho vay, kích thích tăng trưởng tín dụng thường ở mùa thấp điểm đầu năm.
Từ ngày 10/2, Ngân hàng Quân đội (MB) áp dụng giảm 1 điểm phần trăm lãi suất vay cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng. Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng có mức giảm tương tự đối với tất cả khách hàng nhằm đồng hành với các cá nhân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã công bố chương trình giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với tất cả các khoản vay của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có dư nợ hiện hữu và dư nợ phát sinh mới tại Vietcombank.
Trước đó, Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) cũng đã sớm công bố chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi chỉ từ 10,5%/năm…
Đánh giá cao nỗ lực của ngành ngân hàng, ông Mạc Quốc Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ vừa Hà Nội cho biết, hiện các doanh nghiệp trong hiệp hội đã nhận được thông báo của các NHTM về việc giảm lãi suất và cũng cử bộ phận hỗ trợ tín dụng đến các doanh nghiệp có nhu cầu.
“Việc giảm lãi suất là một động thái vô cùng quan trọng giúp thị trường vốn lưu thông hơn, tạo ra mọi cơ hội cho các doanh nghiệp được tiếp cận dòng vốn rẻ hơn và phù hợp hơn so với năng lực để tăng sự cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong bối cảnh”, ông Mạc Quốc Anh đánh giá.
Vẫn chưa thực sự giảm trên diện rộng
Tuy vậy, việc giảm lãi suất cho vay chưa thực sự diễn ra trên diện rộng, mới chỉ xuất hiện ở một số ngân hàng với từng “gói” được thiết riêng dành cho một số ngành, doanh nghiệp hay hoạt động kinh doanh cụ thể và phần lớn là kỳ hạn ngắn.
Đối với các khoản vay kỳ hạn dài hơn, doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất cao như 6 tháng sẽ ở mức 10-10,5%/năm, hay trên 12 tháng sẽ ở mức 11-12%/năm.
“Nhiều doanh nghiệp mong muốn sẽ được vay khoản vay 9%/năm với thời hạn kéo dài từ 6-12 tháng để ổn định sản xuất kinh doanh. Nếu vay ngắn hạn để phục vụ cho kế hoạch dài hạn thì doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ, bởi nếu vay nhiều mà chưa bán được hàng thì có thể phải chịu lãi suất khi đáo hạn nợ”, ông Mạc Quốc Anh lưu ý.
Còn theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, trong thời gian qua, lạm phát của Việt Nam luôn ở mức dưới 4%. Thông thường, các ngành ngân hàng sẽ tính thêm 2% là biên độ lợi nhuận cho khách hàng gửi, nghĩa là lãi suất huy động ở mức 6%/năm, và biên độ lợi nhuận cho ngân hàng là 3% tức là lãi suất cho vay sẽ 9%/năm là phù hợp.
Tuy vậy, thực tế chỉ có mức lạm phát 4% được giữ ổn định, trong khi lãi suất huy động có lúc lên 10%/năm và lãi suất cho vay ở mức 13-14%/năm, thậm chí có mức ở 16%/năm.
“Với mức lãi suất vay 14%/năm thì doanh nghiệp phải có biên độ lợi nhuận trước thuế và trước khi trả nợ cho ngân hàng là 20%. Thử hỏi liệu có bao nhiêu doanh nghiệp đạt được lợi nhuận này? Chính vì vậy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa bởi vì càng làm thì càng phải vay, mà càng phải vay thì chi phí lại càng cao”, ông Hiếu quan ngại.
Chuyên gia này cho rằng, Chính phủ và NHNN cần có phải có biện pháp mạnh hơn nữa để tất cả các NHTM giảm đồng loạt tất cả lãi suất phù hợp với thị trường với kỳ hạn dài để doanh nghiệp phục hồi và ổn định sản xuất kình doanh.
“Do phải cạnh tranh, các NHTM phải đẩy cao lãi suất huy động, từ đó người dân sẽ đổ vào ngân hàng có lãi suất cao. Và làm sao để hạn chế được việc này thì NHNH phải nhịp nhàng trong quá trình “bơm - hút” dòng tiền để giảm áp lực thanh khoản, gia tăng dự trữ ngoại hối nhưng không buông lỏng mục tiêu kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”, ông Hiếu đề xuất.
Tuy vậy, từ năm 2022 đến nay, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đảo chiều nhanh chóng và mạnh mẽ chính sách tiền tệ, tăng mạnh lãi suất, thì tác động lớn đối với chính sách tiền tệ của Việt Nam đã thể hiện.
Trong năm 2022, tỷ giá USD/VND đã từng có quãng tăng đột biến trên 9%, và chỉ dần hạ nhiệt sau khi NHNN liên tiếp tăng mạnh các lãi suất điều hành sau đó. Vì vậy, cân đối lãi suất với tỷ giá trở thành vấn đề khó khăn, không chỉ riêng mục tiêu giảm lãi suất cho vay như một mong muốn đơn thuần.
Trong khi đó, sau khi thu hẹp mức độ về còn 25 điểm cơ bản, thị trường lại đang dự tính khả năng Fed trở lại mạnh tăng tăng lãi suất với mức 50 điểm cơ bản để kiềm chế lạm phát. Đây tiếp tục là tác động và thử thách nối tiếp đối với chính sách tiền tệ và lãi suất của Việt Nam.