Những tháng cuối năm 2022, lãi suất cho vay liên tục tăng cao khi lãi suất đầu vào tăng nóng trong khi “room” tín dụng không còn nhiều. Tuy nhiên, những ngày gần đây, tình hình trở nên bớt căng thẳng hơn khi một số ngân hàng bắt đầu tung ra các gói cho vay với lãi suất ưu đãi lớn.
Ngân hàng Agribank mới đây cho biết, những khách hàng có dư nợ vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm 31/1/2023 gặp khó khăn do ảnh hưởng của COVID - 19 hoặc do ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô sẽ được ngân hàng xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất.
Cụ thể khoản vay kinh doanh bất động sản có thể được điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ. Thời gian thực hiện điều chỉnh lãi suất tối đa đến 31/12/2023 và thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh kéo dài từ 31/1/2023 đến hết ngày 31/12/2024.
Ngân hàng này cũng cho biết, dự kiến trong năm 2023 sẽ tiếp tục dành hơn 100 nghìn tỷ đồng để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp, khách hàng xuất nhập khẩu, ngành y tế, ngành giáo dục; giảm lãi suất đối với các đối tượng khách hàng thuộc lĩnh vực ngành nghề gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước đó, lãnh đạo ngân hàng Vietcombank cho biết, sẽ giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay với tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới tại ngân hàng đến hết 30/4/2023. VietinBank thì dành 10 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mới phát triển hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023.
Một “ông lớn” khác là BIDV cũng đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho vay ngắn hạn với quy mô 30 nghìn tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân.
Theo đó, khách hàng tham gia gói vay phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh sẽ được hưởng lãi suất chỉ từ 8%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng; hoặc từ 9%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng.
Ngoài ra, ngân hàng này cũng dành gói tín dụng lên tới 100 nghìn tỷ đồng phục vụ vay nhu cầu đời sống và sản xuất kinh doanh. Tham gia vay vốn, khách hàng sẽ nhận được lãi suất ưu đãi với kỳ hạn linh hoạt như lãi suất chỉ từ 10,3%/năm trong 12 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu; hoặc chỉ từ 10,9%/năm trong 18 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu (đối với khách hàng cá nhân vay vốn trung dài hạn theo sản phẩm cho vay phục vụ nhu cầu nhà ở).
Không chỉ nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, các nhóm ngân hàng tầm trung và nhỏ cũng đồng loạt tung ra những gói hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp, người dân. Ngân hàng Bản Việt mới đây vừa triển khai chương trình vay dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp với quy mô 1.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết, với lãi suất chỉ 10,5%/năm áp dụng cho 3 tháng đầu tiên, những khách hàng có nhu cầu bổ sung vốn ngắn hạn hoặc trung dài hạn cho sản xuất kinh doanh, sản xuất nông nghiệp, đầu tư trang thiết bị máy móc, hay những khách hàng cần vốn để phục vụ đời sống tiêu dùng của cá nhân như nhận chuyển nhượng nhà đất để ở, xây mới hoặc sửa nhà/chung cư để ở, mua sắm tiêu dùng…đều được áp dụng mức lãi suất ưu đãi này.
Trong khi đó, Techcombank cũng vừa đưa ra gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng với mức giảm lãi suất lên đến 2%, áp dụng cho toàn bộ các doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng lĩnh vực sản xuất, thương mại có hoạt động xuất nhập khẩu. MB giảm lãi suất vay kinh doanh cho các khách hàng có duy trì số dư tài khoản thanh toán bình quân trong tháng tốt tại tài khoản ngân hàng với mức giảm tối đa 1%.
Một loạt các nhà băng khác cũng đưa ra các gói cho vay lãi suất ưu đãi như SeABank, SacomBank hay OCB.
Có thể thấy, việc giảm lãi suất cho vay chưa thực sự diễn ra trên diện rộng mà mới chỉ xuất hiện ở một số ngân hàng với từng “gói” được thiết riêng dành cho một số ngành, doanh nghiệp hay hoạt động kinh doanh cụ thể. Dù vậy, điều này cũng được kỳ vọng sẽ tạo nên một xu thế giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới, đặc biệt là khi lãi suất huy động được dự báo có thể sẽ đạt đỉnh ngay trong quý 1 và có thể giảm dần từ quý 2 năm nay.
Bên cạnh đó, theo giới phân tích, việc Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp ưu tiên hạn mức tín dụng cho các ngân hàng có lãi suất cho vay thấp cũng có thể sẽ khiến nhiều ngân hàng chủ động giảm một phần biên lãi ròng (NIM) để nhận được hạn mức tín dụng cao hơn.