Ngân hàng 2023: Vượt qua “sóng cả”

Năm 2023 được dự báo sẽ mang tới rất nhiều khó khăn, thách thức cho cả nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Có những điểm hẹn không mong đợi đang chờ các ngân hàng trong năm 2023, hệ quả hơn là kết quả, nhưng có những điểm lớn như lãi suất và tỷ giá dự báo sẽ dịu bớt.

Trong một thị trường chưa hoàn chỉnh…

Trao đổi với Nhịp sống Doanh nghiệp, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) cho rằng, mặc dù năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng nhìn chung vẫn ở mức khá tốt nhưng nếu nhìn về tương lai thì vẫn còn rất nhiều ẩn số.

Theo chuyên gia, trong thời gian xảy ra đại dịch, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại (NHTM) tiến hành tái cơ cấu nợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nhưng nay, chính sách này đã kết thúc, các khoản nợ dần trở về đúng bản chất thì chắc chắn sẽ có một lượng nợ xấu tăng lên, chi phí trích lập dự phòng cũng tăng lên tương ứng, theo đó, ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng.

“Trong hoạt động của NHTM, bên cạnh các hoạt động thu chi theo đúng bản chất, còn có sự can thiệp của chính sách sao cho đáp ứng nhu cầu của xã hội, của nền kinh tế. Theo đó, hôm nay NHTM có thể được hưởng lợi từ những chính sách đó nhưng họ cũng thừa hiểu rằng, không có gì có được mà không phải đánh đổi. Cái có được hôm nay có thể sẽ phải mất trong tương lai và ngược lại, có những thứ chúng ta tạm thời hy sinh ở hiện tại nhưng lại là cái được của tương lai”, TS. Phước nói.

Bên cạnh nợ xấu, nguyên Quyền chủ tịch NFSC cho rằng, hệ thống ngân hàng còn đang phải chịu áp lực lớn trong việc cung ứng không chỉ vốn lưu động ngắn hạn cho người dân, doanh nghiệp mà còn phải lo đến cả vốn trung, dài hạn, đặc biệt đặt trong một thị trường tài chính chưa phát triển đồng bộ, hài hòa, chuyên nghiệp như ở Việt Nam.

“Một thị trường tài chính chưa hoàn chỉnh đang đè nặng lên hệ thống ngân hàng thương mại. Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao, lạm phát thấp thì đó lại càng là một thách thức rất lớn đối với hệ thống”, TS. Phước nhấn mạnh.

Bởi, theo chuyên gia, nếu không được đáp ứng vốn thì tăng trưởng kinh tế sẽ gặp khó khăn trong khi để đáp ứng được thì hệ thống sẽ phải điều chỉnh rất nhiều hệ số. Đó là còn chưa kế hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay không đồng đều và quá trình tái cơ cấu hệ thống vẫn còn phải tiếp tục, chưa xử lý hết được triệt để những tồn tại trong hệ thống. Đó cũng là lý do vì sao sự lan tỏa vốn từ ngân hàng đến với doanh nghiệp hiện nay vẫn còn rất hạn chế.

Những con số “biết nói”

Nhìn sâu hơn vào hoạt động của hệ thống ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV đưa ra những số liệu, dự báo cụ thể liên quan đến chất lượng tài sản, thanh khoản, an toàn vốn của hệ thống.

Theo chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với chi phí lãi vay cao hơn, cũng đồng nghĩa với việc làm giảm khả năng sinh lời và gia tăng áp lực nợ vay. Trong khi đó, một “cánh cửa” tiếp cận vốn lớn khác nhằm phục vụ cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là phát hành trái phiếu cũng đang bị siết chặt. Điều này càng đẩy các doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn hơn, từ đó tác động tiêu cực lên chất lượng tài sản của các nhà băng.

“Lãi suất tăng sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ của bên vay, trong khi kinh tế phục hồi chậm lại, tăng trưởng thấp hơn, dẫn đến nợ xấu tiềm ẩn gia tăng. Dự báo, năm 2023, nợ xấu nội bảng ở mức 2%, nợ xấu gộp khoảng 4%”, TS. Lực dự báo.

Nợ xấu tăng cao, trong khi việc cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) của các NHTM vẫn đang diễn ra rất chậm. Tính đến tháng 10/2022, xét các ngân hàng áp dụng Thông tư 41/2016, hệ số an toàn vốn của của các NHTM nhà nước mới chỉ ở mức 9,04%, gần như đi ngang so với cuối năm 2021 trong khi tại các NHTMCP là 12,29%, từ mức 11,9% cuối năm trước.

Theo đánh giá của chuyên gia, nhìn chung, mức an toàn vốn của hệ thống tương đối thấp khi so sánh với các nước trong khu vực. Đó là còn chưa kể các nước trong khu vực đã thực hiện áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III, trong khi các NHTM Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai Basel II.

“Mức đệm vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) ở mức thấp khiến hệ thống ngân hàng dễ bị tác động tiêu cực từ các cú sốc bất lợi từ môi trường kinh doanh”, TS. Lực nhấn mạnh.

Nguyên nhân khiến hệ số CAR của hệ thống vẫn ở mức thấp chủ yếu là do việc tăng vốn của các NHTM, đặc biệt là các NHTM nhà nước còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn có thể xuất phát từ việc thị trường vốn suy giảm, việc tìm kiếm nhà đầu tư ngoại khó hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nhẹ. Bên cạnh đó, khâu phê duyệt cho phép giữ lại cổ tức Nhà nước và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư tài chính còn mất nhiều thời gian.

Ở khía cạnh nguồn vốn, với lợi thế chi phí vốn thấp, tiền gửi không kỳ hạn là một cấu phần quan trọng trong huy động vốn của các NHTM. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy tỷ trọng nguồn tiền này đang có xu hướng giảm trong năm 2022 và được dự báo có thể tiếp tục kéo dài sang năm 2023.

Theo TS. Lực, nguyên nhân là do lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn tăng nhanh và trở nên hấp dẫn hơn, chênh lệch giữa không kỳ hạn, kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài mở rộng, dòng tiền nhàn rỗi theo đó đã chuyển dịch từ gửi không kỳ hạn sang gửi tiết kiệm có kỳ hạn để hưởng lãi suất cao hơn. Đồng thời, huy động vốn khó khăn vì người dân chuyển sang tiêu dùng và doanh nghiệp chuyển vào sản xuất - kinh doanh, trang trải chi phí.

Lãi suất huy động tăng nhanh trong khi lãi suất cho vay khó có thể theo kịp do NHNN đã và đang yêu cầu các NHTM duy trì mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước cũng sẽ tác động tiêu cực đến NIM của các ngân hàng với chi phí vốn cao hơn.

Cũng theo đánh giá của chuyên gia, hiện thanh khoản của hệ thống đã không còn dồi dào như vài năm qua.

Sau giai đoạn giảm liên tiếp từ mức 34,5% năm 2016 xuống 24% năm 2021, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của hệ thống tăng dần lên mức 25,71% vào tháng 10/2022; tỷ lệ dư nợ cho vay/tổng tiền gửi cũng tăng từ 72,1% năm 2021 lên 75,82% vào tháng 10/2022. Đồng thời, tài sản mang tính thanh khoản cao như tiền gửi của TCTD tại NHNN cũng đã giảm.

Ở một điểm hẹn gián tiếp khác, 2023 là năm bắt đầu tập trung đáo hạn lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp. Dù các nhà phát hành đã có một khoảng thời gian để chuẩn bị, nhưng những khó khăn, đặc biệt về thanh khoản đã nổi lên trong năm 2022 là diễn biến như báo trước một năm nối tiếp không nhiều thuận lợi, thậm chí tiềm ẩn rủi ro liên thông nhất định đối với hệ thống ngân hàng nói chung…

Dù đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức ở trên, theo chuyên gia, một điều đáng mừng là quy mô hoạt động, năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành của các TCTD đã không ngừng được cải thiện trong những năm qua. Dù nợ xấu có dấu hiệu tăng lên sau khi chính sách hỗ trợ kết thúc, nhưng chất lượng tài sản của hệ thống về cơ bản vẫn tương đối ổn định, tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro tiếp tục được kiểm soát.

Đây cũng là tiền đề vô cùng quan trọng để hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục vững vàng, thể hiện được vai trò rường cột, giúp thực hiện các mục tiêu quan trọng của nền kinh tế trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Trong khi đó, theo dự báo của TS. Trương Văn Phước, lãi suất trong năm 2023 sẽ có chiều hướng đi xuống, tỷ giá USD/VND sẽ ổn định hơn với mức độ biến động quanh mức của lạm phát là chấp nhận được. Hai điểm quan trọng này góp phần tạo môi trường ổn định hơn cho hoạt động của các NHTM.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm sau 4 phiên

VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm sau 4 phiên

Chuỗi 4 phiên giao dịch dưới mốc 1.200 điểm đã tạm thời được cắt đứt. VN-Index đã xuất hiện một phiên tăng hơn 2% giúp cho nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu, cũng như nhóm đã bắt đáy có được sự nhẹ nhõm trong tâm lý giao dịch.

VIB: Chiến lược cá nhân hóa chi tiêu qua thẻ theo từng phân khúc khách hàng

VIB: Chiến lược cá nhân hóa chi tiêu qua thẻ theo từng phân khúc khách hàng

Theo sát hành trình chi tiêu không tiền mặt của khách hàng từ những ngày đầu ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng đến cột mốc tái cấu trúc thẻ cách đây nhiều năm, dấu ấn của VIB không chỉ là những con số biết nói, là vị thế dẫn đầu về công nghệ, ưu đãi và trải nghiệm người dùng, mà còn là sự tin tưởng, gắn bó của chủ thẻ.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Techcombank: Tỷ lệ CASA quý I/2024 ở mức 40,5%, giữ ngôi vị quán quân

Techcombank: Tỷ lệ CASA quý I/2024 ở mức 40,5%, giữ ngôi vị quán quân

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi thế về vốn giá rẻ (tiền gửi không kỳ hạn - CASA) quý I tiếp tục tăng lên 40,5%, vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong ngành.

Quý I, Chứng khoán DNSE tăng doanh thu 21% so với cùng kỳ

Quý I, Chứng khoán DNSE tăng doanh thu 21% so với cùng kỳ

Quý I/2024, Chứng khoán DNSE ghi nhận doanh thu tăng 21%, lợi nhuận sau thuế tăng 78% so với cùng kỳ, đồng thời tiếp tục thuộc top dẫn đầu thị phần tài khoản mở mới, chiếm 30% tổng số tài khoản mở mới toàn thị trường.

Chat với BizLIVE