Hoạt động ngân hàng Việt Nam năm 2022 trải qua nhiều sóng gió hơn là thuận lợi, với nhiều biến động lớn từ bên ngoài lẫn trên một số thị trường trong nước.
Có thể định hình một phần bức tranh hoạt động ngành ngân hàng Việt Nam năm qua bằng những con số cơ bản.
12,87% là tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến ngày 21/12, với tổng dư nợ nền kinh tế đạt khoảng 11,72 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tính đến cùng thời điểm trên mới chỉ đạt 5,99%, tương đương chưa bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng tín dụng. Đây cũng là một điểm góp phần lý giải tỷ lệ cho vay so với huy động của nhiều nhà băng đã ở rất cao trong năm qua.
1,92% là tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống cập nhật đến cuối tháng 12/2022, chỉ tăng nhẹ so với mức 1,9% vào cuối năm trước. Đây là tín hiệu khá đáng mừng khi tỷ lệ nợ xấu không có quá nhiều biến động mặc dù cơ chế tái cơ cấu nợ hỗ trợ doanh nghiệp theo Thông tư 14 đã kết thúc từ tháng 6/2022. Tuy nhiên, nếu mở rộng vùng nhận diện nợ tiềm ẩn thành nợ xấu thì tỷ lệ sẽ lớn hơn. Trong năm, số liệu nợ xấu trên báo cáo tài chính các ngân hàng nói chung đã tăng lên rõ rệt qua các kỳ cập nhật.
3,49% là mức tăng của tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng vào cuối năm 2022 so với cùng kỳ 2021. Đây là mức tương đối ổn định trong bối cảnh hàng loạt đồng tiền trên thế giới biến động rất mạnh năm qua. Tỷ giá USD/VND cao điểm trong năm có lúc tăng trên 9%.
4,4% là con số tăng trưởng ước tính của dòng kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2022. Theo đó, tổng lượng kiều hối trong năm nay ước đạt khoảng 13 tỷ USD.
2 là số lần nâng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm nay, với tổng 200 điểm cơ bản. Động thái trên của Nhà điều hành diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên thế giới đồng loạt chuyển từ trạng thái nới lỏng không giới hạn để hỗ trợ nền kinh tế do tác động của đại dịch sang thắt chặt một cách rất nhanh chóng. Theo ước tính, từ đầu năm 2022 đến nay, đã có tổng cộng 340 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu. Riêng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có tới 7 lần tăng lãi suất điều hành trong năm nay, kéo lãi suất tăng vọt từ 0% lên 4% - 4,5%.
9,5% là mức lãi suất huy động tối đa mà các ngân hàng thương mại đã “cam kết” thực hiện nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, sau khi lãi suất liên tục tăng nóng lên mức 2 con số trong những tháng cuối năm.
78 tỷ đồng là số tiền hỗ trợ lãi suất nằm trong gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ mà các ngân hàng thương mại đã thực hiện được tính đến cuối tháng 11/2022. Đây là con số rất khiêm tốn khi so với kế hoạch hỗ trợ 40 nghìn tỷ đồng mà Chính phủ đã đề ra.
722 nghìn tỷ đồng là tổng số dư nợ đã được các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 14, bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 562 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 92 nghìn tỷ đồng.
9,37% là mức tăng của tổng tài sản của các tổ chức tín dụng tính đến 31/10/2022 so với cuối năm 2021, tổng quy mô theo đó đã vượt 17 triệu tỷ đồng.
Trong đó, tổng tài sản có của khối NHTM nhà nước (gồm AgriBank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, Ngân hàng Xây dựng, Dầu khí Toàn cầu, ngân hàng Đại Dương) gia tăng mạnh mẽ, với việc tăng 14,19% so với cuối năm trước, lên 7,36 triệu tỷ đồng, chiếm 42,2% tổng tài sản của toàn hệ thống.
Trong khi đó, tổng tài sản của khối ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) tăng 5% trong 10 tháng, đạt 7,5 triệu tỷ đồng, chiếm 43% tổng tài sản toàn hệ thống.
11,71% là tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của nhóm ngân hàng áp dụng Thông tư 41 tính đến 31/10/2022, trong đó, CAR của nhóm NHTMNN là 9,04% và của NHTMCP là 12,29%.
25,71% là tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống tính đến cuối tháng 10/2022. Trong đó, tỷ lệ này tại các ngân hàng thương mại nhà nước là 28,46% và ngân hàng thương mại cổ phần là 28,84%; tại các công ty tài chính, cho thuê tài chính là 40,59%.
Kinh doanh ngoại tệ và thanh toán quốc tế tiếp tục có môi trường rộng mở, gắn với quy mô tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đã vượt mốc 700 tỷ USD và ước đạt 732,5 tỷ USD (Ảnh minh họa: Duy Linh)85,6% là mức tăng của số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong 11 tháng đầu năm 2022. Về số lượng, tương ứng thời gian, thanh toán không dùng tiền mặt qua kênh Internet tăng 89,36%; qua kênh điện thoại di động tăng tới 116,1%, qua phương thức QR code tăng 182,5%, giao dịch qua POS tăng tương ứng 53,57%, giao dịch qua ATM tăng tương ứng 13,28%.
Các yếu tố chính "tạo nền" cho hoạt động ngân hàng ngày càng mở rộng, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm qua đã lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD, đạt khoảng 409 tỷ USD; trong khi đó tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 700 tỷ USD và ước đạt 732,5 tỷ USD năm qua - một cơ sở lý giải cho hoạt động kinh doanh ngoại tệ và thanh toán quốc tế tiếp tục bùng nổ.