Đây là phân tích mới từ Anderson Economic Group - một nhóm tư vấn chính sách công, định giá doanh nghiệp, phân tích công nghiệp và thị trường của Mỹ vừa công bố.
Chỉ trong vòng 3 ngày đầu, người lao động và người tiêu dùng Mỹ có thể chứng kiến khả năng thiệt hại 250 triệu USD vì một cuộc đình công ngành vận tải đường sắt là một trong những sự kiện "đắt đỏ" và gây gián đoạn nhất có thể xảy đến với nền kinh tế.
Báo cáo của Anderson Economic Group nêu rõ: "Những tác động về kinh tế do một cuộc đình công đường sắt toàn quốc gây ra bao gồm người lao động trong ngành bị sụt giảm lương, hoạt động sản xuất bị chững lại do không vận chuyển được các thành phần quan trọng trong một số ngành công nghiệp dễ bị tổn thương".
Những ngành đó có thể bao gồm ngành công nghiệp ethanol, bán lẻ và nông nghiệp. Hiệp hội Các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp bán lẻ kêu gọi các nhà hoạch định chính sách can thiệp nhằm tránh tự gây ra một thảm họa kinh tế.
Bài phân tích tiết lộ, các đánh giá cho thấy thiệt hại do cuộc đình công trong ngày đầu tiên rơi vào khoảng 60 triệu USD, trong đó không bao gồm những ảnh hưởng gián tiếp hoặc tổn thất đối với các ngành công nghiệp khác hoặc tổn thất thu nhập cho các nhà đầu tư và quản lý công ty đường sắt.
Tổn thất của cuộc đình công trong ngày thứ 2 và thứ 3 sẽ tăng lên 91 tỷ USD mỗi ngày do thiệt hại về hàng hóa nông nghiệp và thực phẩm bị hư hỏng. 4 công đoàn đường sắt, vốn không chấp nhận thỏa thuận tạm thời với các tuyến vận tải đường sắt của Mỹ, đã ấn định thời điểm đình công chung vào ngày 9/12 nếu họ không đạt được thỏa thuận về một hợp đồng mới.
Quốc hội có thể áp dụng một hợp đồng đối với 4 công đoàn đường sắt hoặc kéo dài thời gian hòa hoãn để ngăn chặn một cuộc đình công trên toàn quốc, nhưng các công ty đường sắt và các công đoàn có bất đồng lớn xung quanh điểm mấu chốt - đó là thời gian nghỉ ốm không được trả lương.