Ngân hàng TMCP An Bình – ABBank vừa công bố BCTC hợp nhất quý II/2024. Trong đó, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự giảm 19,2% so với cùng kỳ trong khi chi phí lãi giảm nhanh hơn, tới 27,9% giúp thu nhập lãi thuần đạt 794 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, mảng tín dụng mang về cho ngân hàng khoản lợi nhuận 1.455 tỷ đồng, giảm 7,1% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2023.
Thu nhập ngoài lãi của ABBank mang về khoản lợi nhuận 579 tỷ đồng trong quý II, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối ở mức 440 tỷ đồng, tăng 86,1%. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác tăng 8%, đem về 67 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, một số mảng hoạt động không mấy khả quan với lãi thuần hoạt động dịch vụ chỉ đạt 85 tỷ đồng, giảm 45,3% so với cùng kỳ. Hoạt động chứng khoán đầu tư lỗ 15 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 81 tỷ đồng. Lợi nhuận mảng chứng khoán kinh doanh cũng giảm 62%, còn vỏn vẹn 2 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 1.373 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,3% so với cùng kỳ trong khi tổng chi phí hoạt động lại được tiết giảm 5,5% giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng đạt 853 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro lại được cắt giảm khá mạnh, tới 33,7%, xuống còn 463 tỷ đồng giúp lợi nhuận sau thuế của ngân hàng còn 390 tỷ đồng, gấp 5,8 lần con số đạt được trong quý II/2023.
Lũy kế 6 tháng, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 582 tỷ đồng, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh trong quý đầu năm. Trước đó, trong quý I/2024, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng giảm tới 30,8% trong khi chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lại tăng tới 51,3% khiến lợi nhuận ngân hàng chỉ còn 192 tỷ đồng, giảm tới 68,5% so với cùng kỳ.
Với kết quả này, ABBank đã hoàn thành 58,2% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2024 (1.000 tỷ đồng).
Tại thời điểm cuối tháng 6, tổng tài sản của ABBank ở mức 152,1 nghìn tỷ đồng, vẫn giảm 6,14% so với đầu năm nhưng cũng đã có sự tăng trưởng so với mức sụt giảm tới 10% khi kết thúc quý I. Cho vay khách hàng ở mức hơn 91 nghìn tỷ đồng, giảm 7,2% trong khi số dư tiền gửi khách hàng chỉ còn 85,5 nghìn tỷ đồng, giảm 14,5% so với đầu năm. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng của ngân hàng hiện ở mức khá cao, tới 106,4%.
Theo đó, để đáp ứng nhu cầu tín dụng, ABBank tăng cường vay mượn trên liên ngân hàng trong thời gian qua. Báo cáo cho thấy, đến cuối tháng 6/2024, tiền gửi và vay các TCTD khác của ngân hàng đã ở mức 34.345 tỷ đồng, tăng 18,3% so với đầu năm.
Về chất lượng cho vay, thuyết minh BCTC cho thấy, tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng hiện ở mức 3.227 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Tuy nhiên, do dư nợ cho vay của ngân hàng giảm mạnh đã kéo tỷ lệ nợ xấu/cho vay tăng mạnh lên 3,54%, so với mức 2,91% hồi đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng hiện ở mức 44,2%.
Cũng do chất lượng tài sản đi xuống, mới đây, tổ chức xếp hạng Moody’s Ratings đã quyết định hạ bậc xếp hạng của ABBank.
Cụ thể, xếp hạng tiền gửi ngân hàng dài hạn (LT) của đồng nội tệ (LC) và ngoại tệ (FC) của ABBank đã giảm từ B1 xuống B2. Đồng thời, đánh giá tín dụng cơ bản (BCA) và BCA điều chỉnh của ngân hàng cũng bị hạ từ b3 xuống b2.
Ngoài ra, Moody’s cũng điều chỉnh đánh giá rủi ro đối tác (CRRs) LTFC và LC (dài hạn với đồng ngoại tệ và nội tệ) từ Ba3 xuống B1, rủi ro đối tác dài hạn (LT CR) từ Ba3 (cr) xuống B1 (cr). Các xếp hạng ngắn hạn về rủi ro đối tác, tiền gửi và nhà phát hành của ABBank được giữ nguyên ở mức Not Prime (hạng mức đầu cơ).
Hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới cũng thay đổi triển vọng của ABBank từ “tiêu cực” sang “ổn định” .
Theo Moody’s, việc hạ xếp hạng dài hạn và BCA của ABBank phản ánh các những chỉ số tín dụng của ngân hàng suy yếu. Cơ quan này cho rằng vốn hóa và lợi nhuận của ngân hàng sẽ chịu áp lực trong 12 đến 18 tháng tới, do chi phí dự phòng liên quan đến các khoản nợ khó đòi được bán cho VAMC.
Hãng cũng đánh giá, chất lượng tài sản của ABBank đã xấu đi trong hai năm qua trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại, gây ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người vay.
Tính đến cuối quý I/2024, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của ngân hàng này ở mức 3,9%, tăng khá mạnh so với mức 2,3% vào cuối quý I/2022. Moody’s cho biết, tỷ lệ NPL của ABBank đang ở nhóm cao khi so sánh với những ngân hàng có xếp hạng tương tự. Ngoài ra, ngân hàng cũng duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp, chỉ đạt 40,3% vào cuối quý I/2024.
Cũng theo đánh giá của Moody’s, sự phục hồi chậm của lĩnh vực bất động sản và xây dựng sẽ làm tăng rủi ro chất lượng tài sản của ngân hàng do tín dụng cho lĩnh vực này là khá lớn.
Tính đến cuối năm 2023, ABBank đang nắm giữ khoảng 2.700 tỷ đồng trái phiếu VAMC. Moody’s kỳ vọng quy mô trái phiếu VAMC sẽ tăng hơn nữa vào năm 2024 khi ngân hàng đang tìm cách giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng.