- Đại gia Vũ Văn Tiền và khối tài sản của Geleximco
- “Của để dành” của Geleximco ở loạt dự án bất động sản nghìn tỷ
- Geleximco và bức tranh hệ sinh thái đa ngành
Kết quả đi xuống
Theo báo cáo, lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm của ABBank đạt gần 239 tỷ đồng, giảm tới 66,2% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính đến từ sự chững lại của mảng kinh doanh cốt lõi, sụt giảm của các mảng phi tín dụng và áp lực dự phòng rủi ro.
Mặc dù thu nhập lãi thuần – nguồn thu chính của ngân hàng – đạt 2.192 tỷ đồng trong 9 tháng, con số này vẫn giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh tăng trưởng hạn chế trong hoạt động cho vay.
Các mảng phi tín dụng của ngân hàng cũng cho thấy sự sụt giảm mạnh với lợi nhuận thuần từ dịch vụ giảm tới 43,3% trong khi hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ gần 121 tỷ đồng, đảo chiều so với mức lãi gần 16 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, các mảng mua bán chứng khoán kinh doanh và hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng ghi nhận sụt giảm lần lượt 81,7% và 11,4%.
Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng giảm 12% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro tăng 11%, lên gần 1.166 tỷ đồng, khiến ABBank chỉ ghi nhận khoản lợi nhuận hơn 238 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lợi nhuận hơn 708 tỷ đồng cùng kỳ.
Đặc biệt, quý III/2024, ngân hàng lỗ hơn 343 tỷ đồng – một cú sốc so với khoản lãi 29 tỷ đồng cùng kỳ năm trước do chi phí dự phòng tăng đột biến gấp 2,2 lần.
Với kết quả đạt được, ABBank mới chỉ hoàn thành 23,8% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra từ đầu năm (1.000 tỷ đồng).
Chất lượng tài sản: Bài toán khó
Một trong những thách thức lớn nữa của ABBank trong năm nay là sự suy giảm chất lượng tài sản. Tính đến cuối tháng 9/2024, tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng lên tới 3.158 tỷ đồng, tăng 10,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay tăng từ 2,91% đầu năm lên 3,2%.
Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại ở mức khá thấp, hiện chỉ đạt 53,5%, khiến khả năng xử lý nợ xấu trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, ABBank còn đang gánh khoảng 3.796 tỷ đồng trái phiếu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) theo con số cập nhật đến ngày 30/6/2024. Moody’s – tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế – dự báo quy mô này sẽ tiếp tục tăng, kéo theo chi phí tín dụng cao hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận vốn đã suy giảm của ngân hàng.
Tháng 7/2024, Moody’s Ratings công bố hạ một loạt xếp hạng của ABBank. Trong đó, xếp hạng tiền gửi ngân hàng dài hạn (LT) của đồng nội tệ (LC) và ngoại tệ (FC) của ABBank đã giảm từ B1 xuống B2. Đồng thời, đánh giá tín dụng cơ bản (BCA) và BCA điều chỉnh của ngân hàng cũng bị hạ từ b3 xuống b2.
Cơ quan này cũng điều chỉnh đánh giá rủi ro đối tác (CRRs) LTFC và LC (dài hạn với đồng ngoại tệ và nội tệ) từ Ba3 xuống B1, rủi ro đối tác dài hạn (LT CR) từ Ba3 (cr) xuống B1 (cr). Các xếp hạng ngắn hạn về rủi ro đối tác, tiền gửi và nhà phát hành của ABBank được giữ nguyên ở mức Not Prime (hạng mức đầu cơ).
Theo Moody’s, việc hạ xếp hạng dài hạn và BCA của ABBank phản ánh các những chỉ số tín dụng của ngân hàng suy yếu. Cơ quan này cho rằng vốn hóa và lợi nhuận của ngân hàng sẽ chịu áp lực trong 12 đến 18 tháng tới, do chi phí dự phòng liên quan đến các khoản nợ khó đòi được bán cho VAMC.
“Chất lượng tài sản của ABBank đã xấu đi trong hai năm qua trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại, gây ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người vay”, Moody’s đánh giá.
Theo Moody’s, sự phục hồi chậm của lĩnh vực bất động sản và xây dựng sẽ làm tăng rủi ro chất lượng tài sản của ngân hàng do tín dụng cho lĩnh vực này là khá lớn.
Moody’s kỳ vọng quy mô trái phiếu VAMC sẽ tăng cao hơn trong năm nay khi ngân hàng đang tìm cách giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng.
“Việc xử lý những trái phiếu này sẽ dẫn đến chi phí tín dụng cao hơn, và gây áp lực lên tỷ suất lợi nhuận vốn đã thấp của ngân hàng”, Moody’s nhận định.
Dù 2024 là một năm không dễ dàng, ABBank vẫn cho thấy sự nỗ lực trong việc duy trì hoạt động tín dụng ổn định và từng bước kiểm soát rủi ro. Để hướng đến giai đoạn phục hồi mạnh mẽ hơn, ngân hàng đang tập trung vào các giải pháp bao gồm đẩy mạnh tái cấu trúc danh mục tín dụng để giảm rủi ro và cải thiện tỷ lệ nợ xấu, đổi mới công nghệ và dịch vụ khách hàng nhằm tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng số, đồng thời, nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro, đặc biệt trong việc dự phòng và xử lý nợ khó đòi.
Với chiến lược mới cùng sự linh hoạt trong ứng phó với thị trường, ABBank kỳ vọng có thể vượt qua giai đoạn thử thách này để lấy lại đà tăng trưởng và phát triển bền vững trong tương lai gần.