Theo đó, cập nhật đến ngày 31/7, ngân hàng đang có 19 cổ đông (bao gồm 16 cổ đông cá nhân và 3 cổ đông tổ chức) sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, với tổng số cổ phần sở hữu là hơn 689 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu gần 67% vốn điều lệ ngân hàng.
Hiện, Malayan Banking Berhad (Maybank) - cổ đông chiến lược của ABBank đang sở hữu 169,6 triệu cổ phần, tương ứng 16,39% vốn điều lệ, và là cổ đông có tỷ lệ sở hữu cao nhất tại ngân hàng.
Tập đoàn Geleximco nắm 132,2 triệu cổ phần ABB, tương ứng tỷ lệ sở hữu 12,78%; người liên quan đến tập đoàn nắm hơn 48 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,65%. CTCP Glexhomes sở hữu 4,43% và người liên quan nắm 0,03% vốn ngân hàng. Tập đoàn Geleximco là cổ đông sáng lập của Glexhomes.
Trong số 16 cổ đông cá nhân, bà Vũ Thị Hải Yến đang là người nắm giữ nhiều cổ phần ABBank nhất, với hơn 43,8 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu là 4,23% vốn ngân hàng. Bà Kiều Thị Liễu sở hữu 36,6 triệu cổ phiếu ABB, tương ứng 3,54% vốn, bà Vũ Thị Minh Phương sở hữu 2,64% vốn, ông Tô Tuấn Anh nắm 2,5% vốn, bà Tạ Thị Hồng Hà nắm 2,28% vốn,….
Ông Vũ Văn Tiền, Phó Chủ tịch HĐQT của ABBank không trực tiếp sở hữu cổ phần tại ABBank. Tuy nhiên, ông đang nắm 33,5% cổ phần tại Geleximco – tổ chức đang sở hữu 12,78% vốn ngân hàng.
Bên cạnh đó, ông Vũ Văn Hậu, em ruột ông Vũ Văn Tiền, cùng người liên quan đang sở hữu gần 180 triệu cổ phần, tương đương 17,41% vốn ABBank.
Được biết, ông Vũ Văn Tiền từng giữ chức Chủ tịch HĐQT ABBank từ năm 2005 đến tháng 4/2018.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) có hiệu lực từ 15/1/2018, Chủ tịch và Tổng Giám đốc ngân hàng không được phép đồng thời giữ vị trí lãnh đạo tương đương tại các doanh nghiệp khác.
Theo đó, ông Tiền chính thức rời ghế Chủ tịch ABBank từ ngày 25/04/2018 sau hơn 10 năm gắn bó. Người kế nhiệm ông là ông Đào Mạnh Kháng, em rể của ông Vũ Văn Tiền.
Hiện, ngoài việc giữ chức Phó Chủ tịch ABBank, ông Vũ Văn Tiền còn đứng đầu Tập đoàn đa ngành Geleximco, hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, hạ tầng - bất động sản, tài chính ngân hàng, và thương mại - dịch vụ.
Ông cũng từng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT tại Chứng khoán An Bình từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2022. Sau đó, vị trí này được giao cho em gái ông là bà Vũ Thị Hương, Thành viên HĐQT Geleximco.
Về tình hình kinh doanh, kết thúc 6 tháng đầu năm, ABBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 582 tỷ đồng, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh trong quý đầu năm. Trước đó, trong quý I/2024, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng giảm tới 30,8% trong khi chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lại tăng tới 51,3% khiến lợi nhuận ngân hàng chỉ còn 192 tỷ đồng, giảm tới 68,5% so với cùng kỳ.
Với kết quả này, ABBank đã hoàn thành 58,2% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2024 (1.000 tỷ đồng).
Tại thời điểm cuối tháng 6, tổng tài sản của ABBank ở mức 152,1 nghìn tỷ đồng, vẫn giảm 6,14% so với đầu năm nhưng cũng đã có sự tăng trưởng so với mức sụt giảm tới 10% khi kết thúc quý I. Cho vay khách hàng ở mức hơn 91 nghìn tỷ đồng, giảm 7,2% trong khi số dư tiền gửi khách hàng chỉ còn 85,5 nghìn tỷ đồng, giảm 14,5% so với đầu năm. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng của ngân hàng hiện ở mức khá cao, tới 106,4%.
Theo đó, để đáp ứng nhu cầu tín dụng, ABBank tăng cường vay mượn trên liên ngân hàng trong thời gian qua. Báo cáo cho thấy, đến cuối tháng 6/2024, tiền gửi và vay các TCTD khác của ngân hàng đã ở mức 34.345 tỷ đồng, tăng 18,3% so với đầu năm.
Về chất lượng cho vay, thuyết minh BCTC cho thấy, tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng hiện ở mức 3.227 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Tuy nhiên, do dư nợ cho vay của ngân hàng giảm mạnh đã kéo tỷ lệ nợ xấu/cho vay tăng mạnh lên 3,54%, so với mức 2,91% hồi đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng hiện ở mức khá thấp, chỉ 44,2%.