Nhận định về thị trường chứng khoán trong quý II/2024, Chứng khoán KBSV cho biết, chưa xuất hiện yếu tố mới nào có thể thay đổi vùng định giá P/E của chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm ở 15,3 lần (thấp hơn mức 16,5 lần hiện tại).
Theo chuyên gia KBSV, dự phóng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết từ 16,4% lên 19% sau khi đánh giá thêm mùa báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) quý IV vừa qua cũng như triển vọng phục hồi của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2024. Động lực đến từ một số yếu tố như chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng và khó có khả năng đảo chiều chính sách; động lực tăng trưởng đến từ chính sách đầu tư công, miễn giảm thuế, thu hút vốn FDI; mức nền lợi nhuận thấp trong cùng kỳ.
Do đó, KBSV nâng nhẹ dự báo chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm lên 1.360 điểm, từ mức 1.330 điểm đưa ra trong báo cáo chiến lược năm 2024.
Các động lực tăng trưởng chính của thị trường trong năm 2024 tiếp tục đến từ: (1) Mặt bằng lãi suất dù có thể phục hồi nhẹ giai đoạn nửa cuối năm trước các áp lực có thể có của lạm phát, tỷ giá và nhu cầu tín dụng phục hồi, nhưng nhìn chung vẫn duy trì ở mức thấp; (2) Kinh tế trong nước phục hồi với mức tăng trưởng GDP trên 6%, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng từ mức nền thấp của 2023; (3) Các Ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Mỹ sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ và hạ lãi suất giai đoạn giữa năm 2024; (4) Triển vọng nâng hạng thị trường trở nên rõ nét hơn khi xử lý được các vấn đề về pre-funding.
"Sau nhịp tăng mạnh từ cuối tháng 10/2023 cho đến nay, mức định giá P/E của thị trường hiện không còn rẻ và ở 16,5 lần (tương đương mức bình quân 2 năm cộng 1 độ lệch chuẩn). Điều này cho thấy thị trường đã phản ánh tương đối đầy đủ các yếu tố kỳ vọng được nêu ở trên. Tuy nhiên, chúng tôi không cho rằng đây là vùng giá đắt của chỉ số VN-Index trong bối cảnh nhiều yếu tố thuận lợi còn ở trước mắt", báo cáo KBSV nêu.
Mặc dù vậy, KBSV cũng cho rằng một nhịp điều chỉnh là cần thiết để giải tỏa áp lực chốt lời, cũng như phản ánh các rủi ro từ yếu tố tỷ giá, trước khi thị trường nhận thêm sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản như tăng trưởng trong các mùa báo cáo KQKD, số liệu vĩ mô tích cực, hay các động lực đến từ việc triển khai hệ thống KRX, nâng hạng thị trường, và FED hạ lãi suất.
Với kỳ vọng áp lực tỷ giá chỉ mang tính chất thời điểm và triển vọng thị trường trong trung hạn vẫn được đánh giá tích cực như nhận định ở trên, đội ngũ phân tích KBSV cho rằng nhịp điều chỉnh này là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu vùng giá thấp cho mục tiêu đầu tư trung dài hạn.
Liên quan đến vấn đề tỷ giá, Mirae Asset cho biết, áp lực đối với tỷ giá dự kiến sẽ tiếp tục cho đến khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chính thức bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Tuy nhiên, tác động thực tế sẽ khác biệt so với hai năm trước do bối cảnh kinh tế hiện tại đã thấy sự cải thiện đáng kể, kết hợp với các biện pháp can thiệp sớm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua việc sửa đổi Thông tư 02/2021/TT-NHNN, nhằm mục đích mở rộng phạm vi can thiệp bằng cách kiểm soát mức chênh lệch hoán đổi (swap gaps).
"Nhìn chung, việc giảm quy mô phát hành T-bill của NHNN, cùng với việc điều chỉnh lãi suất phát hành trong những phiên gần đây, phản ánh sự linh hoạt và cách tiếp cận có đo lường của phía NHNN trong việc can thiệp vào tỷ giá hối đoái. Thay vì vội vàng hành động, chúng tôi tin rằng NHNN đang dần chuẩn bị các phương án tiếp theo nhằm giảm áp lực tỷ giá hối đoái, có khả năng sẽ bắt đầu với việc bán hợp đồng kỳ hạn đối với đồng USD", báo cáo Mirae Asset nêu.
Theo Mirae Asset, sự lạc quan về triển vọng vĩ mô được củng cố bởi một số thay đổi chính sách tích cực, nhưng những tuần tăng điểm gần đây đã phần nào thu hẹp dư địa cho xu hướng tăng sắp tới khi VN-Index tiến gần đến mốc 1.300 điểm, tương ứng với mức P/E bình quân của 10 năm gần nhất.