Tháng 4/2021, anh Mạnh Hùng mua một căn liền kề 70 m2 tại Vinhomes Ocean Park 2 - The Empire (Hưng Yên) với giá 10,2 tỷ đồng, trong đó khoảng 50% là vay ngân hàng. Mục tiêu của anh Hùng khi mua căn hộ này là đầu cơ lướt sóng, dự kiến bán sau một vài tháng để kiếm tiền chênh. Tuy nhiên còn khoảng còn 4 tháng nữa, gói ưu đãi miễn lãi cho khoản vay khoảng 5 tỷ đồng của anh Hùng sẽ hết hạn nhưng đến nay căn hộ của anh Hùng vẫn không thể giao dịch. Hơn nửa năm nay, Lê Mạnh Hùng phải tính nhiều phương án để có đủ 80 triệu đồng mỗi tháng trả nợ nhà băng khi hết ưu đãi.
Cũng giống anh Mạnh Hùng, anh Vĩnh Hoàng (Khánh Hòa) đang có 2 khoản vay tại ngân hàng BIDV và ngân hàng Tiên Phong để mua bất động sản ở Thanh Hóa và TP.Nha Trang. Mới đây, anh nhận được thông báo từ ngân hàng BIDV về việc tăng lãi vay từ 8%/năm lên gần 12%/năm. Phía Ngân hàng Tiên Phong cũng thông báo lãi suất tăng từ 7,8%/năm đầu lên 14,5%/năm từ ngày 15/12. Với lãi vay tăng cao, mỗi tháng số tiền phải trả rơi vào khoảng 60 triệu đồng, trong khi kinh tế khó khăn, các bất động sản anh Hoàng sở hữu hiện không thể bán để thu hồi vốn.
Sự chững lại của giao dịch bất động sản cộng với tác động của xu hướng tăng lãi suất đã đẩy nhiều nhà đầu tư như anh Mạnh Hùng hay anh Hoàng vào tình thế khó.
Nhiều nhà đầu tư khác trên thị trường cũng đang chịu sức ép tài chính và buộc phải bán cắt lỗ bất động sản. Tuy nhiên, kể cả khi đã giảm giá 30-40%, một số bất động sản, đặc biệt ở các khu xa trung tâm, vẫn không thể thanh khoản. Theo trưởng phòng kinh doanh của một công ty địa ốc tại Thạch Thất (Hà Nội), không ít khách hàng của anh có nguy cơ bị ngân hàng siết bất động sản trong năm 2023 do không có khả năng trả lãi nhà băng.
Bán cắt lỗ bất động sản hiện không dễ
Khi bán cắt lỗ cũng không dễ dàng, các nhà đầu tư phải tìm xoay xở để có tiền trả nợ ngân hàng. Ảnh: Lâm Tùng
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao Công ty CBRE Việt Nam, những tháng gần đây thị trường gần như đóng băng giao dịch ở cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Trong khi đó, thu nhập của đại đa số người dân đều giảm, cộng với lãi suất tăng cao và việc vay tiền mua bất động sản khó khăn đã khiến các nhà đầu tư lao đao, nhất là những người vay tiền để mua bất động sản. Ngay cả người mua nhà để ở cũng gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng. Việc bán cắt lỗ vì thế càng thêm khó khăn. Thống kê sơ bộ của CBRE, khoảng 50% người mua bất động sản phải dùng đến đòn bẩy tài chính là vay ngân hàng.
“Để giảm áp lực về tài chính, nhiều nhà đầu tư đã phải giảm giá bất động sản để thu hồi vốn, mục đích làm sao để tất toán các khoản vay đó càng sớm càng tốt. Thế nhưng giải pháp này cũng không phải dễ trong bối cảnh hiện nay. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn phải tìm cách vay chỗ này, vay chỗ kia với lãi suất thấp hơn ngân hàng để cầm cự”, bà Thùy Dung nói với Thanh niên mới đây.
Nguồn cung bất động sản phân khúc nhà ở hiện vẫn đang hạn chế so với nhu cầu. Việc giảm giá bất động sản để cắt lỗ trong năm 2013 do vậy sẽ có biên độ hẹp, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ nhận định.
Trao đổi với phóng viên, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, cho rằng với thị trường hiện tại, một số người mua bất động sản sử dụng đòn bẩy tài chính có thể đang gặp áp lực lãi suất. Tuy nhiên, ông Lực nhận định các nhà đầu tư sẽ không quá khó khăn, không đến mức bị ngân hàng siết nhà như nhiều người bình luận.
“Tôi cho rằng nhà đầu tư sẽ gặp một vài khó khăn trong việc trả nợ nhưng không đến mức quá khó vì khi ngân hàng cho vay họ đã đánh giá kỹ về khả năng trả nợ ngân hàng của khách hàng. Còn trong trường hợp xấu nhất là không thể trả được nợ nữa, nhà đầu tư bất động sản cần đàm phán với ngân hàng để giãn hoãn nợ”, ông Lực nói.