Với việc chiếm trên 70% thị phần xăng dầu dựa trên doanh thu nội địa, doanh thu năm 2024 của "bộ đôi" Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL, mã OIL) lên tới cả trăm nghìn tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận lại không tăng trưởng tương ứng.
Kết thúc năm 2024, theo lãnh đạo Petrolimex, doanh thu hợp nhất của tập đoàn ước đạt 270.000 tỷ đồng, giảm hơn 1% so với năm 2023 song vẫn vượt 44% kế hoạch.
Doanh thu đi ngang nhưng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của Petrolimex lại thụt lùi 11% so với năm 2023, ước đạt 3.500 tỷ đồng. Với kế hoạch lợi nhuận thận trọng Petrolimex vẫn vượt 21% chỉ tiêu năm. Nộp ngân sách Nhà nước khoảng 31.250 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch.
Như vậy, tính riêng quý IV/2024, Petrolimex ghi nhận 56.931 tỷ đồng doanh thu và 300 tỷ đồng lãi trước thuế; giảm lần lượt 17% và 65% so với quý IV/2023.
PV OIL cũng chứng kiến lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2024 “đi lùi” với mức giảm khoảng 21% so với năm ngoái, ước đạt 631 tỷ đồng, mặc dù doanh thu hợp nhất vẫn tăng trưởng 19% so với năm 2023, đạt hơn 131.000 tỷ đồng. Năm qua, công ty đã nộp ngân sách Nhà nước 9.900 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2023 và vượt 31% kế hoạch đề ra.
Với kết quả lợi nhuận không đạt kỳ vọng, ngày 10/1, Hội đồng quản trị PV OIL vừa công bố nghị quyết về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 theo hướng giảm so với kế hoạch ban đầu.
Theo đó, PV OIL đã giảm mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất từ 740 tỷ đồng xuống còn 600 tỷ đồng, tương đương mức giảm 19%. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cũng điều chỉnh giảm 19%, từ 592 tỷ đồng xuống 480 tỷ đồng.
Cùng với đó, PV OIL cũng điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận trước thuế và sau thuế của công ty mẹ xuống còn lần lượt là 400 tỷ đồng và 320 tỷ đồng, đều giảm khoảng 33% so với kế hoạch đề ra trước đó.
Thông qua việc điều chỉnh các chỉ tiêu trên, PV OIL từ không hoàn thành kế hoạch đã chuyển sang vượt hơn 5% so với mục tiêu mới điều chỉnh.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh năm 2024, ban lãnh đạo PV OIL nhận định đây là sự nỗ lực của tổng công ty trong bối cảnh ngành xăng dầu năm 2024 liên tục đối mặt với những khó khăn và thách thức của thị trường. Theo đó, giá dầu thế giới ghi nhận mức biến động với biên độ lớn do tác động tiêu cực từ các xung đột địa chính trị, áp lực tăng giá của đồng đô la Mỹ, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu phục hồi chậm.
Tác động bất lợi của thị trường, nhất là trong nửa cuối năm đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty và các đơn vị thành viên, khiến lợi nhuận hợp nhất năm 2024 của PV OIL không đạt kỳ vọng.
Trong bối cảnh đó, doanh thu của PV OIL vẫn tăng, một phần là nhờ đẩy mạnh phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu với 95 cửa hàng mới, hoàn thành 158% kế hoạch năm, nâng tổng số cửa hàng xăng dầu trên cả nước lên 838 cửa hàng. Qua đó, nâng sản lượng kinh doanh xăng dầu năm 2024 đạt gần 5,6 triệu m3/tấn, vượt 12% kế hoạch, tăng trưởng 6% so với kỷ lục đạt được năm 2023 và chiếm 23% thị phần kinh doanh nội địa.
Tăng số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng là chiến lược được Petrolimex đang đẩy mạnh nhằm đón đầu Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu. Năm 2024, Petrolimex đã đạt kỷ lục trong việc phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu bán lẻ, với 93 cửa hàng mới được đưa vào hoạt động, nâng tổng số cửa hàng xăng dầu thuộc sở hữu của Petrolimex lên 2.774 cửa hàng.
Trong báo cáo chiến lược 2025, SSI Research nhận định sang năm 2025, mặc dù giá dầu dự kiến giảm nhưng triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp dầu khí kỳ vọng sẽ tốt hơn năm 2024 nhờ hoạt động thăm dò và khai thác cải thiện. Theo đó, lợi nhuận của Petrolimex có thể tăng gần 10% trong năm 2025 nhờ sản lượng tiêu thụ dự kiến tăng 4% từ kênh bán lẻ. Việc hoàn thiện nghị định mới trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trong năm 2025 cũng sẽ hỗ trợ cho giá cổ phiếu PLX.
Đồng quan điểm, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng những điểm mới của nghị định mới về kinh doanh xăng dầu dự kiến thông qua và có hiệu lực từ đầu năm 2025 sẽ có tác động cực hơn cho các doanh nghiệp đầu ngành như Petrolimex và PV OIL.
Đồng thời, VCBS nhận định năm 2025, nguồn cung xăng dầu trong nước được đảm bảo do nhà máy lọc dầu Dung Quất của BSR đã hoàn thành bão dưỡng tổng thể lần 5 trong năm 2024. Tổng nguồn cung xăng dầu được đảm bảo là điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, phân phối xăng dầu hoạt động ổn định, tránh các rủi ro chi phí đầu vào biến động đột biến, tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo dự báo, số lượng ô tô và xe máy sẽ tăng trưởng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt 18% đối với ô tô và 6% đối với xe máy trong giai đoạn 2023 - 2028. Số lượng phương tiện đang hoạt động tăng mạnh sẽ thúc đẩy nhu cầu xăng dầu, nhất là tăng số lượng ô tô, vốn tiêu thụ nhiều xăng dầu hơn xe máy. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp gia tăng cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu xăng dầu, đặc biệt là dầu nhiên liệu và dầu diesel sử dụng trong vận tải và máy móc.