Việt Nam đang nổi lên là điểm đến của nhiều “đại bàng” FDI. Điều này đưa các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp vào một cuộc đua mới, báo cáo từ Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam cho hay.
Việt Nam được định vị là một trong những địa điểm rất tiềm năng để mở rộng sản xuất và đang nổi lên như một điểm sáng cho sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và logistics ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Nikkei Asia, chuỗi cung ứng của Apple như BOE, Quanta, Compal, Goertek, Foxconn hiện đã có nhà máy tại các KCN Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, nay có kế hoạch mở và mở rộng nhà máy ở các tỉnh Bắc Ninh, Nam Định, Nghệ An, Quảng Ninh trong thời gian tới.
Mới đây, phái đoàn doanh nghiệp tháp tùng tổng thống Hàn Quốc với quy mô lớn nhất từ trước đến nay đã đến thăm Việt Nam với kỳ vọng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như chuỗi cung ứng, công nghệ mới, năng lượng và môi trường.
Theo đó, các tập đoàn lớn đều đã đầu tư vào Việt Nam và có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới: Samsung tăng quy mô vốn đầu tư lên 20 tỷ USD, LG sẽ đầu tư thêm 5 tỷ USD vào Việt Nam, SK đẩy mạnh rót vốn vào Việt Nam thông qua các khoản đầu tư vào Masan, Vingroup...
Đặc biệt, xuất hiện điểm sáng nổi bật trong khâu xử lý thủ tục hành chính, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài từ phía chính quyền địa phương tỉnh Quảng Ninh. Đây chắc chắn sẽ là điểm nhấn giúp Quảng Ninh tiếp tục ghi điểm trong mắt các nhà đầu tư và cũng là bài học để các địa phương khác nghiên cứu và làm theo.
Nguồn: Báo cáo của Hiệp hội môi giới BĐS Việt Nam
Đón đầu xu hướng trên, thị trường bất động sản khu công nghiệp tiếp tục “sáng cửa” bất chấp khó khăn chung của thị trường bất động sản và sự suy giảm thương mại toàn cầu.
Báo cáo của Hiệp hội còn nhấn mạnh chủ các bất động sản khu công nghiệp (KCN) Việt Nam đang trong cuộc đua thu hút FDI.
Nhiều dự án đầu tư KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, bắt đầu triển khai các giai đoạn tiếp theo. Dù vậy, theo các chuyên gia nguồn cung đất khu công nghiệp có thể tăng chậm, ít nhất cho tới cuối năm 2024. Đơn cử, việc chuyển đổi đất trồng cao su sang đất khu công nghiệp gặp khó khăn do quy định về đấu thầu.
Dự kiến, năm 2023, miền Nam chỉ có thêm khoảng 1.000 ha khu công nghiệp (tại Bình Dương, Đồng Nai), miền Bắc có thêm gần 1.000 ha (chủ yếu tại Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng). Trong khi, diện tích sẵn sàng còn lại của các doanh nghiệp đang dần hạn hẹp.
Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo thường niên, tính đến cuối năm 2022.
Do đó, đây sẽ là cơ hội cho các khu công nghiệp có sẵn quỹ đất cho thuê lớn khi tận dụng được cơ hội thị trường, ít cạnh tranh khi nguồn cung còn hạn chế.
Báo cáo cũng chỉ ra, thị trường đang chứng kiến sự xuất hiện của các khu công nghiệp mới, được đầu tư theo hướng hiện đại, tự động hóa, đặc biệt chú trọng đến tiêu chí “xanh” với các biện pháp nhằm giảm phát thải CO2.
Trong tương lai không xa, các tiêu chuẩn này sẽ trở thành tiêu chí lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.