Liban áp dụng tỷ giá hối đoái mới với hàng nhập khẩu

Liban đã chính thức áp dụng tỷ giá hối đoái mới đối với hàng hóa nhập khẩu với mức 15.000 bảng Liban đổi 1 USD.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn truyền thông khu vực ngày 2/12 cho biết Liban đã chính thức áp dụng tỷ giá hối đoái mới đối với hàng hóa nhập khẩu. Việc nâng tỷ giá hối đoái là một trong những yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhưng động thái có nguy cơ sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế ở quốc gia Trung Đông này.

Tỷ giá hối đoái mới được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu được ấn định ở mức 15.000 bảng Liban đổi 1 USD, thay thế tỷ giá trước đó là 1.500 bảng đổi 1 USD vốn được áp dụng trong gần 3 năm qua. Tỷ giá này được sử dụng để tính giá trị hải quan của hàng hóa nhập khẩu và được thanh toán bằng đồng bảng Liban. Thuế giá trị gia tăng (VAT) dự kiến cũng tăng 10 lần để phù hợp với tỷ giá mới.

Theo số liệu thống kê, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Liban trong 7 tháng đầu năm nay đạt mức 10,5 tỷ USD và có thể đạt 18 tỷ USD cho cả năm, gần bằng mức trước khủng hoảng. Các mặt hàng nhập khẩu của nước này bao gồm ô tô, điện thoại, thiết bị điện, điện tử. Với cơ cấu hàng hóa nhập khẩu như trên, Bộ trưởng Kinh tế Liban Amin Salam cho biết 70% mặt hàng lương thực và thực phẩm sẽ không bị ảnh hưởng bởi mức tỷ giá mới.

Tuy nhiên theo ông Bechara Al-Asmar, người đứng đầu Tổng Liên đoàn Lao động Liban, sự suy yếu của đồng bảng Liban sẽ gây thêm khó khăn cho một số chủ sử dụng lao động phải trả lương nhân viên bằng USD. Người dân Liban cũng lo ngại khả năng khó có thể kiểm soát thị trường khi các thương nhân bắt đầu áp dụng mức giá mới đối với hàng hóa.

Liban đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua. Đồng nội tệ của nước này đã mất giá mạnh so với USD khi 1 USD có thể đổi được tới 41.500 bảng Liban trên thị trường chợ đen ngày 2/12.

Theo Bnews

Đọc tiếp

Lãi suất trên thế giới đang mỗi nơi một đường

Lãi suất trên thế giới đang mỗi nơi một đường

Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã từng sát cánh hợp tác cùng nhau chống lạm phát. Nhưng đến nay, họ bắt đầu có xu hướng phân tán. Trong khi các cơ quan hoạch định chính sách ở châu Âu trở nên ôn hòa hơn thì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn thận trọng về việc cắt giảm quá sớm.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE