Trái với diễn biến của cùng kỳ năm trước, lãi suất liên ngân hàng trong tháng 2/2024 tăng mạnh nhưng đang có xu hướng hạ nhiệt dần về cuối tháng.
Trong tuần cuối cùng của tháng, từ 26/2 - 1/3, lãi suất VND liên ngân hàng giảm mạnh trở lại ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Cập nhật số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, chốt ngày 1/3, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính, chiếm khoảng 90 - 95% giá trị giao dịch) đã về mức 1,47%/năm, giảm mạnh tới 2,16 điểm % so với một tuần trước đó.
Cùng với kỳ hạn qua đêm, lãi suất tại hai kỳ hạn chủ chốt khác cũng điều chỉnh giảm, trong đó, kỳ hạn 1 tuần giảm về 1,63%/năm (tương đương giảm 1,94 điểm % so với tuần trước), kỳ hạn 2 tuần còn 1,86%/năm (giảm 1,49 điểm %), kỳ hạn 1 tháng còn 2,44%/năm (giảm 0,3 điểm %).
Song song với diễn biến trên thị trường liên ngân hàng, nhà điều hành đã thực hiện hút bớt tiền khỏi hệ thống khi 6.037,51 tỷ đồng đáo hạn trên Kênh cầm cố thị trường mở (OMO) trong khi không có thành viên nào có nhu cầu vay mới. Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
Diễn biến lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trong nửa đầu tháng 2 cho thấy có hiện tượng thiếu hụt thanh khoản tại một số ngân hàng trước và sau dịp nghỉ Tết, tuy nhiên, điều này không đáng quan ngại và như trên, thanh khoản hệ thống đang cho thấy dần trở lại trạng thái bình thường.
Liên quan đến thanh khoản hệ thống, tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết qua hai tháng đầu năm 2024, thực tế là thanh khoản rất dồi dào nhưng tăng trưởng tín dụng chậm so với cùng kỳ các năm.
Lãnh đạo NHNN cho biết, nguyên nhân chung là do yếu tố mùa vụ. Cụ thể, thông thường yếu tố mùa vụ vào quý IV, hoạt động kinh tế sẽ sôi động hơn, kéo theo hoạt động cho vay cũng sôi động hơn. Tháng cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng rất mạnh khoảng 4%. Sang tháng 1/2024, tháng 2/2024 là tháng Tết nên hoạt động tín dụng sẽ giảm và hoạt động vay vốn cũng không được tăng trưởng như quý IV năm trước.
Bên cạnh đó, năm nay còn có yếu tố nữa là nền kinh tế thế giới thực sự chưa khởi sắc mà các thị trường chính của chúng ta cũng chưa phát triển mạnh mẽ nên ảnh hưởng đến yếu tố đầu ra, xuất khẩu, trong khi đó thị trường trong nước còn khó khăn nên cầu về tín dụng cũng có sự suy giảm.
Phó Thống đốc cho biết, đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng như: Có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung đẩy mạnh giải pháp tăng trưởng tín dụng, tăng cường rà soát, đơn giản hóa các thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng; tập trung tăng cường công tác chuyển đổi số áp dụng vào quy trình tín dụng để tăng khả năng tiếp cận vốn và phổ cập rộng hơn hoạt động tín dụng ngân hàng.