Lãi cao nhất trong vòng 8 quý trở lại đây
Theo số liệu tổng hợp từ 30 công ty chứng khoán (CTCK), sau quý IV/2023 hụt hơi, doanh thu hoạt động đã tăng trưởng 2,64% so với quý trước, đạt hơn 15.100 tỷ đồng. Lợi nhuận kế toán sau thuế tăng 33,54% so với quý IV/2023, lên gần 5.500 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ quý I/2022.
Ngôi vị quán quân về lợi nhuận trong quý I/2024 thuộc về TCBS với lợi nhuận sau thuế đạt 928 tỷ đồng nhờ tất cả các mảng kinh doanh cốt lõi như môi giới, cho vay margin và tự doanh có sự tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, các công ty có lợi nhuận sau thuế trên 500 tỷ đồng bao gồm SSI (727 tỷ đồng), VND (617 tỷ đồng), VPS (505 tỷ đồng).
Đây là sự phản ánh những kết quả tích cực của thị trường chứng khoán trong quý I/2024 với việc VN-Index đã tăng 13,64% nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu Ngân hàng.
Tỷ trọng đóng góp của 2 mảng môi giới và cho vay ký quỹ vào doanh thu hoạt động của 30 CTCK đã quay lại tăng hơn 4% lên 52%. Trong quý IV/2023, tỷ trọng 2 mảng này chiếm chưa đến 48% tổng doanh thu hoạt động.
Công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất thị trường, VPS đã có lần đầu tiên vượt mức thị phần 20% trên HOSE tiếp tục bỏ xa các đối thủ với doanh thu môi giới đạt 961,16 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu của các CTCK còn lại trong ngành đều dưới 500 tỷ đồng: SSI (449 tỷ đồng), VND (228 tỷ đồng), HCM (214 tỷ đồng), MBS (184 tỷ đồng).
Tuy nhiên, cuộc chiến ở hoạt động cho vay margin mới thực sự khốc liệt khi mảng môi giới không còn đem lại nhiều lợi nhuận do chính sách zero-fee được nhiều công ty áp dụng. Mức chênh lệch về lãi từ margin và phải thu không quá lớn giữa các công ty chứng khoán.
Cụ thể, TCBS là công ty thu được nhiều lãi nhất từ cho vay margin và phải thu với doanh thu đạt 572,6 tỷ đồng. Các vị trí tiếp theo về khả năng thu lãi lần lượt là SSI (446 tỷ đồng) VPS (395 tỷ đồng), MAS (359 tỷ đồng), HCM (339 tỷ đồng).
Cột mốc cho vay margin và phải thu 20.000 tỷ đồng là mục tiêu của các CTCK đầu ngành
Thực tế, TCBS đã vươn lên trở thành CTCK có dư nợ từ cho vay margin và phải thu lớn nhất thị trường kể từ quý IV/2023 nhưng vẫn tiếp tục thể hiện sự quyết liệt trong quý đầu năm 2024. So với quý trước, dư nợ margin và phải thu của TCBS tăng trưởng 19,37% lên 19.838 tỷ đồng.
Nhóm CTCK cho vay hơn 10.000 tỷ đồng chỉ còn lại 5 thành viên do VND có sự sụt giảm nhẹ gần 3% so với quý trước đó. 4 CTCK còn lại bao gồm SSI (17.570 tỷ đồng), MAS (16.204 tỷ đồng), HCM (14.200 tỷ đồng), VPS (11.941 tỷ đồng).
Với việc TCBS liên tục mở rộng dư nợ và áp sát gần mốc 20.000 tỷ đồng, các CTCK cũng đang rất quyết tâm giành giật miếng bánh màu mỡ đem lại lợi nhuận cao. Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên vừa qua, lãnh đạo của HCM và SSI đều đưa ra mục tiêu đạt dư nợ 20.000 tỷ đồng cuối năm 2024.
Trong khi đó, ở mốc dư nợ dưới 10.000 tỷ đồng cũng cần chú ý với nhiều tên tuổi trong ngành như MBS (9.869 tỷ đồng), VPBankS (8.994 tỷ đồng), VCI (8.572 tỷ đồng).
Theo thống kê, tổng dư nợ từ cho vay margin và phải thu của 30 CTCK đã tăng 14% lên 175.000 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.
Dù vậy, với động thái tăng vốn đã và đang được các CTCK triển khai, dư địa cho vay không thu hẹp đáng kể trong quý I/2024, chỉ giảm chưa đến 3% xuống 55% vốn chủ sở hữu và vẫn cao hơn giai đoạn 2021-2022.
Một số CTCK như DNSE, ACBS, ORS đã hoàn tất các đợt tăng vốn đầu năm trong khi HSC đang chuẩn bị những thủ tục cuối cùng để nâng vốn điều lệ lên hơn 7.500 tỷ đồng.
Cùng với đó, SSI, VCI, MBS, VIX, VDS, CTS đều có kế hoạch sẽ triển khai tăng vốn trong năm 2024.