Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù nền kinh tế vẫn chưa thực sự phục hồi, nhưng nhìn chung ngành ngân hàng vẫn có kỳ kinh doanh khá khả quan, phần lớn thành viên đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, chất lượng tài sản cũng là một điểm đáng lưu ý khi nợ xấu nội bảng đang tăng khá mạnh trở lại trong khi số lãi, phí dự thu của không ít nhà băng tiếp tục tăng cao.
Thống kê của chúng tôi từ số liệu BCTC quý II/2024 của 29 ngân hàng cho thấy, tính đến ngày 30/6/2024, tổng nợ xấu của 29 ngân hàng ở mức hơn 292,8 nghìn tỷ đồng, tăng tới 13,4% so với đầu năm.
Nợ xấu tăng nhanh trong khi tốc độ mở rộng của tổng dư nợ tiếp tục ở mức thấp do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp chưa phục hồi khiến tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng tăng khá mạnh trong nửa đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng của nhóm theo đó đã tăng từ 3,16% hồi đầu năm lên 3,55% kết thúc tháng 6/2024. Trong đó, có tới 22/29 thành viên ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng trong thời gian qua.
Tổng hợp: Trần Thúy
Nhìn rộng ra toàn bộ hệ thống (bao gồm cả các các ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu), tại cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 23/7, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cũng đã nhận định, nợ xấu đang có xu hướng tăng là một vấn đề cần lưu ý, mức độ tăng cũng khá cao, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn ngành đã gần 5%.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là nợ xấu nội bảng. Con số nợ xấu thực tế có thể lớn hơn nữa, nhất là với những thành viên chưa tất toán xong phần bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng như nhiều khoản nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, được giữ nguyên nhóm theo cơ chế hỗ trợ khách hàng khó khăn theo thông tư 06/2024 và thông tư 02/2023.
Mặt khác, việc lãi, phí dự thu của nhiều thành viên tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm cũng là một điểm đáng lưu ý. Khảo sát của chúng tôi tại 29 ngân hàng cho thấy, tổng lãi, phí dự thu đến cuối tháng 6/2024 ở mức hơn 199,8 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với đầu năm. Trong đó, có tới 19/29 nhà băng trong nhóm khảo sát ghi nhận khoản mục này tăng so với đầu năm. Đáng chú ý, có thành viên ghi nhận lãi, phí dự thu tăng vọt tới hơn 40% chỉ trong 6 tháng qua.
NamABank là một ví dụ. BCTC cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm, lãi, phí dự thu của ngân hàng đã tăng tới 1.028 tỷ đồng, tương đương mức tăng gần 50% so với đầu năm. Lãi, phí dự thu 6 tháng đầu năm chiếm tới 24% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng.
Tại Techcombank, lãi, phí dự thu cũng tăng thêm 3.714 tỷ đồng sau 6 tháng, tương đương mức tăng 38,4%. Con số này tại ABBank là 23,4%, tại LPBank là 20,7%, tại Eximbank là 15,8%,…
Bên cạnh đó, tại một số thành viên, tỷ lệ lãi dự thu/tổng tài sản cũng đang ở mức tương đối cao.
Tổng hợp: Trần Thúy
Đến cuối tháng 6/2024, lãi, phí dự thu của ngân hàng PVCombank đã lên tới 28.933 tỷ đồng, tăng 8,7% so với đầu năm. Đây cũng là ngân hàng có quy mô lãi, phí dự thu lớn nhất trong nhóm khảo sát, vượt qua cả các “ông lớn” ngân hàng quốc doanh mặc dù quy mô tín dụng cũng như tổng tài sản chỉ ở tầm trung bình nhỏ. Tỷ lệ lãi, phí dự thu/tổng tài sản của ngân hàng theo đó lên tới 13,25% trong khi tỷ trọng phổ biến của các thành viên trong hệ thống chỉ trên dưới 1%.
Về lý thuyết, lãi dự thu là khoản lãi mà ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lời, trong đó bao gồm cho vay khách hàng. Dù ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này, nhưng vẫn được ghi nhận vào vào kết quả hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, khi tỷ lệ này quá lớn, hoặc tăng quá nhanh so với tăng trưởng tín dụng, và đặc biệt là "cô đặc" lâu dài, thì dễ trở thành một dấu hiệu cảnh báo về chất lượng tài sản, nợ xấu tiềm ẩn cũng như độ an toàn hệ thống.
Thực tế, trong giai đoạn đầu tái cơ cấu các NHTM Việt Nam 2011-2015, vấn đề lãi dự thu tăng cao và có tính bắc cầu với nợ xấu, yêu cầu thoái dần cũng đã từng được đặt ra như một bước để lành mạnh hơn bảng cân đối tại một số thành viên.
Theo quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BTC, các TCTD chỉ được hạch toán số lãi phải thu phát sinh trong kỳ vào thu nhập đối với các khoản nợ đủ tiêu chuẩn không phải trích dự phòng rủi ro, tức là nợ nhóm 1.
Đối với các khoản phải thu đã hạch toán vào thu nhập nhưng sau đó được đánh giá không thu được hoặc đến kỳ hạn thu không thu được thì TCTD phải hạch toán giảm doanh thu nếu cùng kỳ kế toán, hoặc hạch toán vào chi phí nếu khác kỳ kế toán.
Trong trường hợp ngân hàng vẫn không thực hiện chuyển nhóm nợ đối với những khoản thu quá hạn, không thoái lãi dự thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi sẽ làm tăng lãi ảo, đồng thời, con số nợ xấu không được thể hiện một cách chính xác, cụ thể trên BCTC.