Khơi thông thị trường trái phiếu: "Minh bạch phải đi liền với hiệu quả hoạt động của tổ chức phát hành"

"Nếu như hiệu quả hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành đi liền với sự minh bạch thì sẽ thúc đẩy được niềm tin, sự kết nối giữa các tổ chức phát hành với các nhà đầu tư, góp phần giúp thị trường vốn nợ phát triển bền vững", Tổng Thư ký VBMA nhìn nhận.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Hội nghị "Thị trường vốn nợ Việt Nam 2024" ngày 12/4
Hội nghị "Thị trường vốn nợ Việt Nam 2024" ngày 12/4

Nhu cầu vốn cho phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam là rất lớn trong những năm tới đây nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế và định hướng giảm lệ thuộc nguồn vốn trung và dài hạn vào hệ thống ngân hàng thương mại. Trong bối cảnh đó, nguồn vốn nợ, trong đó có kênh trái phiếu doanh nghiệp, đang dần trở nên phổ biến tại các doanh nghiệp Việt Nam.

Hai yếu tố quan trọng để thúc đẩy thị trường vốn nợ

Tại Hội nghị "Thị trường vốn nợ Việt Nam 2024" với chủ đề "Khai thông thị trường vốn nợ nội địa" do FiinRatings tổ chức chiều ngày 12/4, các chuyên gia đánh giá, thị trường trái phiếu của Việt Nam đã có một số tín hiệu phục hồi sau những vụ "khủng hoảng niềm tin" cách đây hơn 1 năm.

Quy mô kênh trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đã đạt 11% GDP vào cuối năm 2023 và được kỳ vọng sẽ là kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp khi Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng quy mô của thị trường này lên mức 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần thêm những cơ chế thu hút đầu tư dài hạn thực sự hấp dẫn.

"Việt Nam thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, họ muốn đầu tư và làm ăn lâu dài ở Việt Nam. Tuy nhiên, các kênh huy động vốn dài hạn của Việt Nam như thị trường vốn nợ với các sản phẩm trái phiếu hiện nay đang tăng trưởng chậm và chiếm tỷ trọng khá nhỏ nếu so với các nước lân cận như Thái Lan (27%), Trung Quốc (39%). Vì vậy phần nào ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư tổ chức lớn của nước ngoài muốn rót vốn vào thị trường tài chính Việt Nam", bà Lynn Maxwell, Tổng Giám đốc thương mại toàn cầu S&P Global Ratings cho biết.

Để thị trường vốn nợ có thể đón được dòng vốn này, bà Lynn Maxwell đề xuất một trong những giải pháp là thiết lập văn hóa xếp hạng tín dụng lành mạnh và phát triển các thể chế thị trường như các tổ chức xếp hạng tín dụng.

Theo bà Maxwell, xếp hạng tín dụng mang lại sự minh bạch cho thị trường, mang lại tính thanh khoản mạnh mẽ hơn và là nền tảng để xây dựng niềm tin của nhà đầu tư cũng như đảm bảo tính bền vững lâu dài của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đây không chỉ đơn thuần là các biện pháp quản lý mà còn là công cụ then chốt để đánh giá và quản lý rủi ro, giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn hiệu quả hơn.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho rằng, để thúc đẩy thị trường vốn nói chung và vốn nợ nói riêng, cần phải có hai yếu tố quan trọng.

Yếu tố thứ nhất sẽ tạo ra sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư đó chính là hiệu quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức phát hành. Đây là yếu tố cần.

Còn yếu tố đủ để tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư và tạo ra sự phát triển lành mạnh và bền vững cho thị trường vốn nợ chính là sự minh bạch.

"Nếu như hiệu quả hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành đi liền với sự minh bạch thì sẽ thúc đẩy được niềm tin, sự kết nối giữa các tổ chức phát hành với các nhà đầu tư, góp phần giúp thị trường vốn nợ phát triển bền vững", ông Quỳnh nhìn nhận.

Các diễn giả thảo luận tại Hội nghị

Các diễn giả thảo luận tại Hội nghị

Theo Tổng Thư ký VBMA, việc xếp hạng tín nhiệm là một trong các biện pháp cần thiết và nếu nhìn vào thị trường vốn nói chung và vốn nợ nói riêng ở các nước phát triển, có thể thấy vai trò của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm là vô cùng quan trọng, giúp tăng tính minh bạch của thị trường.

“Sự minh bạch trên thị trường sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các thành phần tham gia thị trường, không chỉ với nhà đầu tư mà còn với cả tổ chức phát hành cũng như các cơ quan quản lý nhà nước”, ông Quỳnh nói.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký VBMA cũng nhấn mạnh, xếp hạng tín nhiệm không phải là phương pháp duy nhất để tăng minh bạch trên thị trường. Bởi bên cạnh việc xếp hạng tín nhiệm cũng phải nâng cao các hạ tầng khác ví dụ như kiểm toán, các hệ thống báo cáo bắt buộc đối với các tổ chức phát hành, các hình thức kiểm tra và giám sát khác nhau của cơ quan quản lý để thúc đẩy tính minh bạch của thị trường, tăng niềm tin và phản ánh đúng hiệu quả hoạt động của tổ chức phát hành.

Thị trường TPDN cần "chất xúc tác" từ các tổ chức bảo lãnh

Cũng tại Hội nghị, bên cạnh các giải pháp để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư với thị trường trái phiếu, một giải pháp nữa cũng được nhiều chuyên gia nhắc đến đó là hình thức bảo lãnh tín dụng.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings, việc có những định chế tài chính bảo hiểm quốc tế sẵn sàng tham gia thẩm định, bảo lãnh cho các trái phiếu đạt tiêu chuẩn là chất xúc tác cực tốt cho thị trường trái phiếu Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.

Lý giải rõ hơn về vai trò của hình thức bảo lãnh tín dụng, ông MitsuhiroYamawaki, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc rủi ro của Quỹ Đầu tư và bảo lãnh tín dụng (CGIF) - một quỹ tín thác của Ngân hàng Phát triển châu Á - cho biết: "Việc bảo lãnh tín dụng, xếp hạng tín nhiệm là việc mà các tổ chức như CGIF đứng ra bảo lãnh cho các nhà phát hành trái phiếu. Nếu xảy ra rủi ro về thanh khoản, CGIF sẽ đứng ra chi trả cho các nhà đầu tư, đồng thời làm việc với các nhà phát hành để tái cấu trúc lại. Nghiệp vụ này cần được triển khai mạnh mẽ hơn ở Việt Nam để thị trường vốn nợ phát triển bền vững hơn".

Thực tế, nhìn nhận ở góc độ của một đơn vị tư vấn cho nhiều tổ chức phát hành trái phiếu và đang nắm giữ gần 70% thị phần tư vấn trái phiếu doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS) cho biết, trong giai đoạn thị trường trái phiếu gặp khó khăn do những vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư thì TCBS cũng phải nghĩ đến các giải pháp khác nhau để tư vấn cho các tổ chức phát hành và cả nhà đầu tư.

Đặc biệt, khi việc phát hành các trái phiếu doanh nghiệp với kỳ hạn dài gặp nhiều khó khăn hơn trước đây, đơn vị này đã tư vấn phát hành các trái phiếu có kỳ hạn ngắn chỉ khoảng 13 tháng, đi kèm đó là bảo lãnh trái phiếu từ các ngân hàng, các tổ chức quốc tế để dễ tiếp cận hơn với các nhà đầu tư.

Cho đến nay, sau một loạt trái phiếu chỉ phát hành với thời hạn dưới 13 tháng, có những trái phiếu kèm bảo lãnh thì thị trường đã dần ghi nhận trở lại những trái phiếu doanh nghiệp có kỳ hạn dài hơn, từ hai hoặc ba năm.

Bên cạnh đó, bà Hiền đánh giá những nỗ lực của Chính phủ và Bộ Tài chính từ việc có sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ tập trung đến các quy định tăng tính minh bạch của thị trường cũng đã tạo ra những cơ sở cho thị trường đi lên theo hướng bền vững hơn. Thanh khoản của thị trường cũng sôi động hơn, nhà đầu tư giao dịch trái phiếu chứ không chỉ mua để nắm giữ chờ đến kỳ hạn thanh toán như trước.

Với những nỗ lực của các bên, bà Hiền cho rằng thị trường trái phiếu sẽ ngày càng minh bạch hơn. Tất nhiên, vẫn phải mất thêm một khoảng thời gian nữa để các tổ chức phát hành, các nhà đầu tư hoàn thiện theo nhưng thị trường đang đi rất đúng hướng.

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Đọc tiếp

HDBank đạt 4.028 tỷ lợi nhuận quý 1, tăng 46.8%, chia cổ tức 2023 tỷ lệ 30% gồm tiền và cổ phiếu

HDBank đạt 4.028 tỷ lợi nhuận quý 1, tăng 46.8%, chia cổ tức 2023 tỷ lệ 30% gồm tiền và cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank - mã chứng khoán: HDB) công bố báo cáo tài chính quý I/2024, với lợi nhuận trước thuế đạt 4.028 tỷ đồng, tăng 46,8% so với cùng kỳ. Tỷ lệ ROE đạt tới 26,7% cao trong nhóm dẫn đầu toàn ngành. Ngân hàng trả cổ tức năm 2023 lên tới 30% gồm tiền và cổ phiếu.

Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC).

Tổng Giám đốc HSC: Thị phần môi giới cá nhân có thể tăng gấp đôi, trái phiếu doanh nghiệp là mảng kinh doanh mới

Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) đánh giá triển vọng mảng môi giới cá nhân đã khởi sắc trở lại bất chấp sức ép cạnh tranh lớn từ các đối thủ. Ngoài ra, tiết lộ sự chuẩn bị tham gia của công ty vào tự doanh trái phiếu doanh nghiệp.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE