Kế hoạch áp giá trần dầu Nga gặp cản trở mới

Liên minh châu Âu (EU) đang lập một kế hoạch tham vọng nhằm hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ của Nga, nhưng nỗ lực này của phương Tây phải đối mặt với rào cản mới.

Theo tờ New York Times, rào cản đó xuất phát từ quyết định của các nhà sản xuất dầu toàn cầu ngày 5/10 về việc cắt giảm mạnh nguồn cung. Động thái này khiến dầu thô Nga thậm chí còn có giá trị hơn trên thị trường thế giới.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã tuyên bố giảm mạnh sản lượng dầu thô tại cuộc họp ở Vienna. Cụ thể, trong cuộc họp chính sách ngày 5/10, các Bộ trưởng Năng lượng thuộc OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11 tới.

Thông qua giảm nguồn cung, quyết định của nhóm OPEC+ có khả năng giữ giá dầu toàn cầu ở mức cao, giúp Nga tiếp tục kiếm được nguồn thu đáng kể từ xuất khẩu dầu thô.

Quyết định này cũng có thể làm giảm khả năng một số quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ ủng hộ áp trần giá dầu Nga. Nếu không có sự hợp tác của các quốc gia này, kế hoạch áp trần giá dầu Nga sẽ có ít tác động hơn nhiều.

Dự kiến kế hoạch áp trần giá dầu Nga được thông qua lần cuối vào ngày 6/10, sau khi các nhà đàm phán đạt được thỏa thuận vào cuối ngày 4/10 về biện pháp này trong khuôn khổ gói trừng phạt mới nhằm vào Nga.

Theo kế hoạch, một ủy ban bao gồm các đại diện của EU, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và những quốc gia khác đồng ý áp trần giá dầu Nga sẽ họp thường xuyên để quyết định về mức giá bán của dầu Nga và giá sẽ thay đổi dựa trên giá thị trường.

Một số nhà ngoại giao cho biết các quốc gia như Hy Lạp, Malta và CH Síp sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do kế hoạch này nhưng đã được đảm bảo có thể tiếp tục vận chuyển dầu Nga.

Các quốc gia này đã phản đối gói trừng phạt thứ 8 của EU vì lo ngại rằng áp giá trần với dầu Nga được xuất khẩu ra bên ngoài EU sẽ ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển, bảo hiểm và các ngành khác.

Quảng cáo

Áp trần giá dầu là một phần kế hoạch sâu rộng do chính quyền Mỹ đưa ra và G7 đã đồng ý vào tháng trước. Mục đích là khiến giá bán dầu Nga thấp hơn hiện nay, nhưng vẫn cao hơn giá thành sản xuất. Bộ Tài chính Mỹ tính toán rằng biện pháp này sẽ khiến Nga mất đi hàng chục tỷ USD hàng năm.

Để giảm doanh thu từ dầu của Nga, Mỹ, châu Âu và các đồng minh sẽ cần thuyết phục Ấn Độ và Trung Quốc, những nước mua lượng dầu đáng kể của Nga, chỉ mua với giá đã thỏa thuận. Dù vậy, các chuyên gia nói rằng ngay cả với các đối tác sẵn sàng, biện pháp này có thể khó thực hiện.

Theo các quy định mới, các công ty liên quan đến vận chuyển dầu Nga như các chủ tàu, công ty bảo hiểm và bảo lãnh sẽ phải tuân thủ để đảm bảo rằng dầu mà họ đang vận chuyển đang được bán bằng hoặc thấp hơn giá trần. Nếu họ bị bắt quả tang đang giúp Nga bán với giá cao hơn, họ có thể phải đối mặt với các vụ kiện tại nước sở tại vì vi phạm các lệnh trừng phạt.

Dầu thô Nga sẽ bị cấm tại hầu hết các nước EU vào ngày 5/12 và các sản phẩm dầu mỏ sẽ bị cấm vận vào tháng 2/2023.

opec61022-4656.jpg

Biểu tượng OPEC tại toà trụ sở ở Vienna, Áo ngày 5/10. Ảnh: THX/TTXVN

Sau quyết định của OPEC+, giá dầu thế giới đã tăng lên. Cụ thể, vào cuối phiên giao dịch ngày 5/10 tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,24 USD (1,4%), lên 87,76 USD/thùng, Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tăng 1,57 USD (1,7%), lên 93,37 USD/thùng.

Trong những tuần gần đây, giá dầu thế giới giảm giá xuống mức của thời điểm trước khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine do lo ngại kinh tế toàn cầu suy giảm. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, giá dầu tăng trở lại dựa trên dự báo OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng.

Phản ứng trước quyết định của OPEC+, ngày 5/10, Nhà Trắng cho biết thất vọng về động thái này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang kêu gọi Chính phủ và Quốc hội Mỹ tìm cách đẩy mạnh sản xuất năng lượng trong nước, đồng thời làm suy giảm khả năng kiểm soát giá năng lượng của OPEC.

Ngoài ra, tuyên bố của Nhà Trắng cũng cho rằng việc OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng ở mức 2 triệu thùng/ngày là thiển cận. Tổng thống Biden sẽ ra lệnh xuất thêm dầu từ Kho dữ trự dầu mỏ chiến lược (SPR) để phản ứng.

Theo Báo Tin tức Sao chép

Cùng chuyên mục Thế giới

Giới siêu giàu Hàn Quốc lựa chọn đầu tư an toàn hơn vào năm 2025

Một báo cáo công bố ngày 22/12 cho hay, giới siêu giàu Hàn Quốc, chiếm chưa đến 1% dân số nước này, đang lựa chọn các lựa chọn đầu tư rủi ro thấp vào năm tới do tình hình kinh tế không chắc chắn.

Xuất khẩu nông sản của Hàn Quốc lập kỷ lục mới Chứng khoán Seoul trượt dốc do căng thẳng chính trị tại Hàn Quốc

Đồng euro yếu - công cụ để châu Âu ứng phó với thuế quan mới của Mỹ?

Nếu đồng euro yếu hơn, giảm xuống ngang giá với đồng USD, sẽ làm giảm bớt tác động tiêu cực từ việc Mỹ có thể áp các mức thuế mới đối với hàng hóa của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Đồng euro thắng thế trên thị trường tiền tệ toàn cầu Trung Quốc trở lại thị trường nợ với kế hoạch bán trái phiếu bằng đồng euro