Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành báo cáo "Asian Economics Quarterly - Cuộc đua về đích" nhận định về tình hình kinh tế châu Á, trong đó nhấn mạnh xuất khẩu tăng mang lại cú hích mạnh mẽ cho tăng trưởng nhiều nơi trong khu vực, đồng thời lạm phát và tỷ giá dịu đi sẽ nâng đỡ châu Á trong suốt năm Giáp Thìn.
Trong bối cảnh đó, chuyên gia của HSBC kỳ vọng Việt Nam sẽ chứng kiến tăng trưởng hơn nữa bởi sự phục hồi tiếp tục vững vàng, lĩnh vực sản xuất vươn mình mạnh mẽ và lạm phát diễn biến theo chiều hướng thuận lợi hơn.
Theo đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã được cải thiện và mang lại bất ngờ trong quý II/2024, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi trong lĩnh vực bên ngoài tiếp tục lan rộng ra ngoài mảng điện tử tiêu dùng, mặc dù tác động trung chuyển nhằm trợ lực cho mặt trận trong nước vẫn phải chờ thời gian trả lời.
Đồng thời, lĩnh vực sản xuất vươn mình mạnh mẽ và vượt ra khỏi tình trạng đáng buồn của năm ngoái. Chỉ số PMI đã ghi nhận 5 tháng liên tiếp nằm trong vùng mở rộng, còn chỉ số sản xuất công nghiệp (IP) cũng ghi nhận phục hồi hoạt động trong ngành dệt may và da giày.
Kết quả này giúp xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 2 con số, thêm vào đó là các ngoại lực thúc đẩy quan trọng cũng đang trên đà tiến tới, chẳng hạn như mở rộng tiếp cận thị trường cho nông sản Việt Nam.
Tuy nhiên, lĩnh vực trong nước đang phục hồi chậm hơn kỳ vọng ban đầu, trong đó, tăng trưởng bán lẻ vẫn thấp hơn xu hướng trước đại dịch. Điều đáng khích lệ là Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ một loạt ngành kinh tế trong nước từ đó tạo kỳ vọng sẽ vực dậy lòng tin qua thời gian. Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu và thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được áp dụng đến hết năm 2024 trong khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ tháng 8/2028 sẽ tác động tích cực lên triển vọng ngành bất động sản. Mặc dù mới được thông qua chưa lâu, Luật Đất đai sửa đổi dường như đã phần nào đóng góp vào cú hích lên đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực này, trong đó, số liệu FDI gần đây cho thấy sự gia tăng trên diện rộng.
“Chúng tôi tin rằng những khả năng tích cực tiềm tàng có thể bù đắp cho tổn thất kinh tế tạm thời do siêu bão Yagi gây ra. Tựu trung lại, chúng tôi vẫn giữ dự báo tăng trưởng GDP cho cả năm 2024 và 2025 ở mức 6,5%”, các chuyên gia của HSBC nhận định.
Về lạm phát, HSBC cho rằng diễn biến giá cả đang có chiều hướng thuận lợi hơn trong 6 tháng cuối năm khi hiệu ứng cơ sở không thuận lợi do năng lượng giảm dần. Một chu kỳ nới lỏng của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong tầm dự đoán cũng sẽ giúp tháo gỡ bớt một số áp lực về tỷ giá.
Xét tất cả những yếu tố nêu trên, HSBC duy trì dự báo lạm phát năm 2024 ở mức 3,6%, khá thấp so với mức trần mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước; đồng thời, giữ nguyên dự báo lạm phát cho năm 2025 là 3%.
Trước đó, trong báo cáo hồi tháng 7/2024, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 6% lên 6,5% trên cơ sở kết quả tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng trong 6 tháng đầu năm.
Với mức tăng trưởng 6,5%, HSBC dự báo Việt Nam sẽ có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024, một vị trí Việt Nam đã tạm nhường cho Malaysia và Philippines trong năm 2022 và 2023.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 (bão Yagi) diễn ra ngày 15/9, ước tính đến sáng ngày 15/9, bão Yagi đã gây thiệt hại về tài sản khoảng 40.000 tỷ đồng. Thiệt hại do con bão gây ra dự kiến cũng sẽ khiến tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương chậm lại. Trong đó, tăng trưởng GDP quý III của cả nước có thể giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8-7%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%. Đến ngày 28/9, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật con số về thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra đã lên tới trên 81.000 tỷ đồng (tương đương gần 3,3 tỷ USD) - tăng gấp đôi so với báo cáo ngày 15/9. Do thiệt hại của con bão số 3 gây ra rất lớn nên ngay tại hội nghị ngày 15/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu khẩn trương khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%. Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan xây dựng, triển khai chương trình khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, mà trước hết là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình địa phương; tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng… |