Ngày 28/6, Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo nghị định trên, từ ngày 1/7 - 31/12/2023, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ. Từ ngày 1/1/2024 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ trở về mức cũ (tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022).
Bộ Tài chính ước tính việc giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước trong 6 tháng cuối năm sẽ làm giảm thu ngân sách 8.000-9.000 tỷ đồng. Trước đó, ở lần giảm lệ phí trước bạ gần nhất, trong 6 tháng đầu năm 2022, số giảm thu lệ phí trước bạ về mặt chính sách là 8.727 tỷ đồng.
Từ đầu năm tới nay, UBND các tỉnh Quảng Nam, Ninh Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Chính sách được Chính phủ thông qua góp phần kích cầu mua ô tô của người dân, giúp nhà sản xuất và phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng suy giảm từ cuối năm 2022 và chưa có tín hiệu khởi sắc trong nửa dầu năm nay. 2 tháng cuối 2022, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp giảm tới 44% so với cùng kỳ 2021.
Tính đến tháng 4/2023, doanh số bán hàng của các thành viên VAMA sụt khoảng 34%, tương đương 42.000 xe, so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, các chuyên gia nhận định việc giảm phí lần này khó giúp tăng mạnh lượng tiêu thụ xe như giai đoạn 2020-2022 do hiện sức mua và tiêu dùng giảm.