Giá dầu tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, như vậy giá dầu đã “lấy lại” toàn bộ mức sụt giảm đã có trong phiên trước đó bởi dự báo về khả năng Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, sẽ có thể mở cửa trở lại sau khoảng thời gian áp dụng các biện pháp kiểm soát COVID-19 chặt chẽ.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tháng 1/2023 tăng 1,7USD/thùng tương đương 1,8% lên 94,51USD/thùng trên thị trường London. Giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tháng 12/2022 đóng cửa giảm 1% xuống 94,83USD/thùng.
Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 1,74USD/thùng tương đương 2% xuống 88,27USD/thùng sau khi giảm 1,6% trong phiên liền trước đó.
Một báo Trung Quốc dẫn nguồn tin từ chính phủ Trung Quốc cho hay, chính phủ đã thành lập riêng một ủy ban chịu trách nhiệm mở cửa, ủy ban này chịu trách nhiệm xem xét đến dữ liệu liên quan COVID-19, đồng thời đánh giá và tính toán về các kịch bản khôi phục hoạt động trở lại nhằm hướng đến việc nới lỏng chính sách kiểm soát COVID-19 từ tháng 3/2023, cổ phiếu trên thị trường Hồng Kông và Trung Quốc tăng vọt nhờ tin đồn này.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó khẳng định ông không hề biết về thông tin này.
Chuyên gia phân tích tại Price Futures Group, ông Phil Flynn, nhận xét: “Chúng tôi đang đón nhận nhiều tín hiệu theo hướng đó và thị trường đang phản ứng tích cực với thông tin này”.
Cả giá dầu Brent và dầu WTI trong tháng 10/2022 đều ghi nhận tháng tăng đầu tiên tính từ tháng 5/2022 sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh trong đó có Nga, nhóm vốn được biết đến với cái tên OPEC+, đã hạ sản lượng mục tiêu ước tính 2 triệu thùng dầu/ngày.
Các biện pháp cắt giảm sản lượng của OPEC+ và dữ liệu xuất khẩu dầu kỷ lục của Mỹ đã hỗ trợ cho các yếu tố căn bản trên thị trường dầu, chuyên gia phân tích tại CMC Markets – bà Tina Teng phân tích.
Theo chuyên gia tại tổ chức môi giới dầu PVM, ông Tamas Varga, nhận xét nguồn cung dầu suy yếu, khả năng dự trữ dầu SPR của Mỹ giảm và việc tăng trưởng nhu cầu dầu lên cao sẽ có thể đẩy giá dầu thô vượt ngưỡng 100USD/thùng.
Còn theo Tổng thư ký của OPEC, ông Haitham Al Ghais, việc đầu tư dầu chững lại đang bắt đầu nhen nhóm một cuộc khủng hoảng năng lượng trong tương lai.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC kêu gọi đầu tư thêm hàng trăm tỷ USD vào ngành năng lượng trong vòng 2 thập kỷ tới nhằm đáp ứng cho cái mà OPEC gọi là nhu cầu với nhiên liệu hóa thạch tăng bùng nổ trong khoảng thời gian từ nay đến giữa thế kỷ.
Trong báo cáo thường niên về các xu thế năng lượng, OPEC khẳng định rằng ngành dầu mỏ toàn cầu sẽ cần đầu tư thêm ước tính khoảng 12,1 nghìn tỷ USD vào năm 2045, tức là cao hơn 300 tỷ USD so với mức tính toán vào năm ngoái để có thể đáp ứng nhu cầu và đảm bảo an ninh năng lượng.
Theo nhận định của OPEC, nhu cầu dầu sẽ tăng cao hơn trong những năm tới và sẽ vẫn duy trì ở ngưỡng đó trong suốt 2 thập kỷ sắp tới, yếu tố chính đằng sau việc này chính là nhóm các nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng mạnh và tăng trưởng dân số lên cao, chính vì vậy sẽ cần phải đầu tư thêm vào sản xuất dầu.
Khi mà thế giới chuẩn bị có cuộc hội nghị bàn về vấn đề khí hậu tại Ai Cập vào tháng 11/2022, nơi mà chính phủ các nước nhiều khả năng sẽ vận động giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhóm các nước sản xuất năng lượng này cho biết đầu tư vào hạ tầng sản xuất dầu đã giảm đáng kể đồng thời cảnh báo về tình trạng thiếu đầu tư mang tính chu kỳ, chính vì vậy sẽ dễ tạo ra cuộc khủng hoảng an ninh năng lượng.
Tổng thư ký OPEC, ông Haitham al-Ghais, nhận xét: “Chúng ta cần phải đánh giá đúng vai trò mà mỗi nguồn năng lượng mang lại khi mà chúng ta đi tìm câu trả lời liên quan đến chi phí năng lượng, an ninh năng lượng và nhu cầu giảm khí thải. Tất cả mọi lựa chọn, giải pháp và công nghệ cần phải được tối ưu hóa”.
Lời kêu gọi mới nhất của OPEC cho thấy sự chia rẽ quan điểm ngày một lớn giữa nhóm nước đang phát triển vốn chủ yếu sản xuất dầu của thế giới, nhiều trong đó là thành viên OPEC với nhóm nước phương Tây giàu có tiêu thụ nhiều năng lượng. Chính phủ các nước phương Tây đang điều chỉnh lại trọng tâm nền kinh tế dịch chuyển khỏi nhiên liệu hóa thạch và hướng đến năng lượng tái sinh.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tổ chức tại Paris đại diện cho những nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, khẳng định cần phải ngừng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch nếu thế giới muốn giữ tình trạng ấm lên toàn cầu ở ngưỡng kiểm soát được. Việc đốt nhiên liệu hóa thách sẽ thải ra hiệu ứng nhà kính, các chuyên gia và nhà khoa học cho rằng điều này là nguyên nhân của tình trạng ấm lên trên toàn cầu.