Chiều ngày 30/11, với hơn 91,6% đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi).
Tại luật được thông qua, giá điện sẽ được cải cách để giảm dần và tiến tới xóa bù chéo, song không đưa ra quy định chi tiết việc này thực hiện thế nào. Giá bán lẻ điện đang áp dụng thống nhất toàn quốc, có bù chéo giá giữa các vùng, miền, hộ sử dụng (sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh).
Trước đó, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, biểu giá bán lẻ điện cần được cơ cấu lại, phản ánh chi phí theo đặc điểm tiêu thụ để xóa bù chéo trong giá điện. Tuy vậy, việc giảm bù chéo giá điện phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như mức độ tái cơ cấu ngành điện, các chính sách về tài chính... nên cần nghiên cứu phương án, lộ trình cụ thể.
"Quy định để xóa bỏ ngay bù chéo giá điện là chưa khả thi. Vì vậy, luật chỉ nêu lộ trình xóa bỏ bù chéo giá điện và giao Bộ Công Thương trình Thủ tướng phê duyệt", ông Thanh nói.
Hiện Việt Nam áp dụng giá điện một thành phần, tức tiền trả theo sản lượng dùng. Cách tính này được đánh giá chưa phản ánh chính xác chi phí ngành điện bỏ ra (khấu hao tài sản, đường dây, trạm biến áp...) cho mỗi khách hàng.
Để xóa bù chéo giá điện, Luật Điện lực (sửa đổi) quy định Bộ Công Thương xây dựng, trình Thủ tướng lộ trình giảm bù chéo, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Theo đó, biểu giá bán lẻ sẽ có nhiều thành phần, tối thiểu giá hai thành phần (gồm giá theo sản lượng điện tiêu thụ và công suất đăng ký) áp dụng cho các nhóm khách hàng khi điều kiện cho phép. Cơ chế giá điện cũng cần phù hợp với các nhóm sử dụng.
Ngoài ra, luật quy định giá điện trúng thầu là mức tối đa để bên mua đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu. Chính phủ sẽ quy định chi tiết việc đàm phán, hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư trúng thầu.
Nội dung khác cũng được thông qua, Quốc hội đã đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo Tờ trình số 811/TTr-CP ngày 25/11/2024 của Chính phủ.
Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử.
Liên quan đến chính sách phát triển điện hạt nhân, theo Luật Điện lực (sửa đổi), quy hoạch phát triển điện hạt nhân phải gắn liền, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực để bảo đảm mục tiêu an ninh cung cấp điện. Luật Điện lực (sửa đổi) cũng quy định, Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng và vận hành dự án nhà máy điện hạt nhân.