Theo “Báo cáo thực trạng và nhu cầu chuyển đổi số ngành dệt may” do Novaon Tech phối hợp cùng Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) triển khai nghiên cứu và phát hành các doanh nghiệp dệt may đang đối mặt với nhiều khó khăn mà trong công tác chuyển đổi số, đặc biệt đối với nguồn nhân lực.
Cụ thể, gần 60% doanh nghiệp trong ngành dệt may vẫn chưa ứng dụng bất kỳ công nghệ hay ứng dụng nào trong quản trị nhân sự. Tất cả các công đoạn trong hành trình nhân sự của doanh nghiệp vẫn đang sử dụng giấy tờ thủ công hoặc trên các file excel. Chỉ 4,7% doanh nghiệp xác nhận đã ứng dụng phần mềm và cảm thấy hài lòng với ứng dụng quản trị nhân sự hiện tại.
Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề trong trải nghiệm làm việc của nhân viên. Đời sống và năng lực của người lao động ngày càng được cải thiện, chính vì vậy môi trường làm việc và hệ thống vận hành cũng phải được nâng cao để phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và nhân sự.
Do sự phát triển của thị trường, lượng đơn hàng gia tăng đang khiến ngành dệt may thiếu hụt rất nhiều lao động, nguồn nhân lực hiện chỉ đang đáp ứng được 60-70% nhu cầu của toàn ngành.
Ngoài tuyển dụng bổ sung lao động, việc giữ chân người lao động cũng là một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp gặp phải. Khi người lao động đang có xu hướng chuyển sang các ngành khác có môi trường làm việc và đãi ngộ tốt hơn. Đó là lý do nhiều doanh nghiệp trong ngành đang hướng đến việc gia tăng trải nghiệm của nhân sự.
Báo cáo cho biết, ngành dệt may đang đối mặt với thách thức lớn về nguồn nhân lực, trong đó có 4 thách thức ảnh hưởng lớn nhất đến doanh nghiệp. Khó khăn lớn nhất là lạm phát khiến chi phí lương công nhân tăng nhanh, ảnh hưởng đến chi phí và biên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Thách thức tiếp theo là cạnh tranh nhân sự với các doanh nghiệp cùng ngành, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Việc cạnh tranh nhân sự cũng khiến tuyển dụng và giữ chân nhân sự ngày càng khó khăn. Và với việc gần 60% doanh nghiệp vẫn đang vận hành nhân sự theo cách thủ công khiến hiệu suất làm việc của nhân sự chưa đạt được tối ưu.
Bên cạnh những vấn đề lớn kể trên còn một số khó khăn khác ảnh hưởng lớn đến nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Quản trị nhân sự thủ công, tốn nhiều thời gian và nguồn lực với số lượng nhân sự lớn. Khó khăn trong khâu truyền thông, tương tác tạo môi trường làm việc thân thiện và công bằng. Cuối cùng là khó khăn trong tạo động lực làm việc cho công nhân, khiến việc giữ chân nhân sự ngày càng khó khăn hơn.
Tất cả những khó khăn này đều bắt nguồn từ việc doanh nghiệp vẫn đang áp dụng kiểu quản lý truyền thống, chưa tối ưu được nguồn lực nội bộ và khai thác được năng lực của đội ngũ lao động.
Báo cáo của Novaon Tech đánh giá, chuyển đổi số đã thay đổi hoạt động kinh doanh và vận hành doanh nghiệp giúp doanh nghiệp tăng trưởng bất chấp những khó khăn từ bên ngoài. 60% doanh nghiệp đã chuyển đổi số cho biết, đã đạt mức tăng trưởng từ 10-20% về doanh thu, năng suất lao động và tối ưu chi phí trong thời kỳ đại dịch.
Chuyển đổi số là câu chuyện không mới, nhưng các doanh nghiệp sản xuất nói chung và ngành dệt may nói riêng vẫn chưa ứng dụng được hoàn toàn vào hoạt động của doanh nghiệp. Khi hơn 40% doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ vào vận hành doanh nghiệp, tuy nhiên chưa đến 5% doanh nghiệp cảm thấy thực sự hài lòng với các ứng dụng này.
Theo Novaon Tech, lý do khiến các doanh nghiệp vẫn còn do dự khi thực hiện chuyển đổi số bắt nguồn từ truyền thống của ngành. Khi ngành dệt may, may mặc đã có mặt tại Việt Nam hàng ngàn năm, có những doanh nghiệp đã tồn tại đến nay đã hàng thập kỷ, họ đã quá quen với việc vận hành và quản lý truyền thống và rất ngại thay đổi. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành vẫn còn dè dặt trong việc ứng dụng công nghệ vào việc quản lý, đặc biệt là quản lý nguồn nhân lực.