Theo đài Sputnik (Nga), dữ liệu mới cho biết tính đến ngày 24/6, lượng dầu thô trong Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của Mỹ chỉ còn tổng cộng khoảng 497,9 triệu thùng – bao gồm 234,43 triệu thùng dầu ngọt và 263,5 triệu thùng dầu chua.
Dữ liệu ước tính lượng dầu dự trữ đã giảm trong 6 tháng liên tiếp - lần lượt là 5,4; 9,4 và 13,4 triệu thùng dầu vào tháng 1, tháng 2 và tháng 3. Sau đó giảm 18,4; 24,1 và 25,2 triệu thùng dầu vào tháng 4, tháng 5 và tháng 6.
Theo hồ sơ của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lần gần nhất lượng dầu thô trong kho SPR giảm ở mức dưới 500 triệu thùng là vào năm 1985. EIA ước tính Mỹ tiêu thụ khoảng 19,78 triệu thùng dầu mỗi ngày, có nghĩa là nước này hiện còn đủ dầu để sử dụng trong 25,17 ngày, nếu tất cả hoạt động sản xuất và nhập khẩu bị tê liệt vì bất cứ lý do gì.
SPR được thành lập vào năm 1975, là cơ sở dự trữ hàng triệu thùng dầu thô được đặt tại các địa điểm thuộc bang Texas và Louisiana. Tổng thống có quyền giải phóng lượng dự trữ dầu từ SPR nếu xảy ra “sự cố gián đoạn cung cấp năng lượng nghiêm trọng”, đe dọa nền kinh tế hoặc an ninh quốc gia của Mỹ.
Tổng thống Donald Trump đã cam kết sẽ lấp đầy kho dự trữ dầu chiến lược “ở mức đỉnh điểm” vào mùa xuân năm 2020, khi giá dầu lao dốc và thậm chí tạm thời chìm vào vùng âm chưa từng có. Tuy nhiên, nguồn dự trữ dầu chỉ tăng khoảng 4 triệu thùng, từ mức trung bình 634,9 triệu thùng năm 2019 lên 638 triệu thùng năm 2020. Năm 2021, dự trữ dầu chiến lược của Mỹ giảm xuống mức trung bình 593,6 triệu thùng, sau khi Nhà Trắng xả kho 50 triệu thùng vào cuối năm trong nỗ lực kiểm soát giá nhiên liệu tăng cao.
Hồi tháng 1, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã giải phóng 13 triệu thùng dầu từ kho dự trữ. Đến tháng 3, với lý do khẩn cấp về năng lượng, ông đã công bố kế hoạch giải phóng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong vòng 6 tháng, có nghĩa là dự trữ có thể giảm xuống 400 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ năm 1983, với hy vọng các nhà sản xuất dầu thô trong nước sẽ tăng sản lượng và giảm giá.
Ông chủ Nhà Trắng đã bác bỏ mọi cáo buộc đổ lỗi cho Chính quyền của ông gây ra tình trạng giá khí đốt tăng cao, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân Mỹ. Ông cho rằng chiến dịch quân sự của người đồng cấp Nga Putin tại Ukraine mới chính là nguyên nhân đẩy giá khí đốt và thực phẩm leo thang, khiến lạm phát ở Mỹ tăng nhiều nhất trong 40 năm.
Ông giải thích: “Ukraine và Nga là hai trong số những nhà cung cấp lúa mì và ngô chính của thế giới nhưng hoạt động xuất khẩu đang bị đình trệ. Hiện Ukraine có 20 triệu tấn ngũ cốc phải lưu trữ trong các silo. Họ đang cố gắng tìm cách xuất khẩu và điều này sẽ làm giảm giá trên toàn thế giới”.
Ông Biden cũng nhấn mạnh chính quyền đang nỗ lực giảm giá cả cho người dân Mỹ, song kêu gọi Quốc hội cũng phải hành động. “Tôi đang làm mọi thứ trong khả năng của mình để chống lại sự tăng giá cả của ông Putin”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.